Bộ Y tế thông tin về giá test kháng nguyên nhanh

14:57, 04/10/2021

Trước thông tin, một bộ test COVID-19 xét nghiệm nhanh ở nước ngoài chỉ có giá 1,5 USD, tương đương 35.000 đồng, nhưng ở Việt Nam hơn 200.000 đồng, Bộ Y tế đã có phản hồi về vấn đề này.

Theo Bộ Y tế, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh, cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua. Ví dụ, các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác. Việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm... Vì vậy, không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng, tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Có nên đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá?

Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Trước thông tin báo chí phản ánh, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi

Để quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế công lập tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu. Đồng thời, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho doanh nghiệp.

Các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệp, hàng tuần cập nhật công khai giá lên cổng công khai giá dịch vụ y tế, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để tạo cạnh tranh giá.

Đối với các đơn vị, địa phương, cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, bao gồm test xét nghiệm, trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu. Đồng thời, tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá.

Tuy nhiên, theo Luật Giá năm 2012, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Như vậy, hiện nay mặt hàng test xét nghiệm COVID-19 chưa được quy định trong luật.

Vì vậy, Bộ Y tế cần có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp… bình ổn giá theo quy định pháp luật; đồng thời, đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý cũng như những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.