Một số loại củ mọc mầm không nên sử dụng

09:11, 08/10/2021

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo, một số loại củ dưới đây khi mọc mầm không những mất đi giá trị dinh dưỡng, mà còn sinh ra nhiều độc tố cực độc, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Loại củ mọc mầm chúng ta cần tránh đầu tiên là khoai tây. Khoai tây mọc mầm tuyệt đối không nên sử dụng bởi chúng có chứa độc tố solanine tập trung ở phần chân mầm, nếu ăn phải sẽ gây hỏng chức năng gan. Củ lạc mọc mầm cũng rất gây hại cho sức khỏe con người. Khi lạc mọc mầm sẽ sinh ra độc tố aflatoxin, gây nhiễm độc gan; không những vậy chất aflatoxin còn là độc tố gây ung thư rất bền ở nhiệt độ cao.

Ngoài khoai tây, củ lạc thì khoai lang nảy mầm cũng có thể gây ngộ độc. Sau khi nảy mầm, lớp biểu bì củ khoai lang sẽ xuất hiện những đốm đen và độc tố sẽ được thải ra. Ngay cả sau khi được nấu chín ở nhiệt độ cao độc tố vẫn còn, có thể làm hỏng dần chức năng gan ở người. Củ sắn mọc mầm cũng là loại thực phẩm cần tránh vì có chứa chất độc alkaloid solanine, có thể gây ra các triệu chứng tiêu chảy, ói mửa, đau tức ngực và thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Loại củ gia vị chúng ta cũng không nên ăn là gừng khi đã bị mọc mầm. Gừng mọc mầm sinh ra chất độc lưu huỳnh, gây độc cho gan. Hơn nữa, gừng bị mốc hỏng còn chứa độc tố safrole, loại độc tố có khả năng gây tổn thương và ung thư gan.