Là loại bệnh nhiễm trùng kinh diễn, do một loại vi trùng có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra, bệnh phong không gây chết người. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến sẽ để lại tàn tật, di chứng trầm trọng cho người bệnh và lây lan cho cộng đồng. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh phong, những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có nhiều hoạt động rất tích cực.
Hiện nay, Khoa Da liễu - Chống phong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang quản lý ngoại trú hơn 30 bệnh nhân phong; Khu Điều trị phong, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình quản lý, chăm sóc hơn 70 bệnh nhân phong. Đa số họ đều là người cao tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần được chính quyền địa phương quan tâm, vận động hỗ trợ thêm từ các nguồn từ thiện, viện trợ để nâng cao đời sống. Trong số này có 10 bệnh nhân phong tàn tật cần được chăm sóc suốt đời. Đơn cử như bà Ma Thị Dí, sinh năm 1941, hiện sinh sống tại bản Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai). Sống chung với bệnh tật, lại phải chăm thêm cháu nhỏ, cuộc sống của bà Dí đã khó càng thêm khó.
Bà Ma Thị Dí cho biết: Tôi đã sống chung với căn bệnh này hơn 20 năm rồi. Từ khi mắc bệnh, cơ thể tôi yếu đi nhiều, thường xuyên bị tê bì ở cánh tay; bàn chân, bàn tay có một số vùng mất cảm giác, nhiều ngón bị cò, cụt, rụt. Gần đây thay đổi thời tiết nên các khớp xương càng thêm đau buốt, không thể ngủ nổi, việc đi lại, vệ sinh cá nhân gặp khó khăn.
Đối với những trường hợp mắc bệnh phong như bà Dí, sau khi được chẩn đoán xác định mắc bệnh, bệnh nhân được đưa ngay vào đa hóa trị liệu nhằm tránh tàn tật.
Sau đó, hằng tháng, bệnh nhân được cán bộ chuyên trách phong của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã đến thăm khám, cấp phát thuốc, theo dõi để phát hiện sớm các biến chứng và được hướng dẫn cách tự chăm sóc, phòng, tránh các thương tích trong đời sống hằng ngày.
Ngoài ra, nhằm phát hiện những trường hợp mắc mới, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện khám sàng lọc bệnh da liễu cho người dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã khám hơn 6.160 lượt bệnh nhân mắc bệnh về da và không phát hiện các trường hợp mắc mới.
Bên cạnh các hoạt động khám, điều tra nhằm phát hiện, quản lý tốt bệnh nhân phong, thời gian qua, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong cũng đã được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, như: Truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh từ xã, phường, thị trấn đến tận thôn, xóm, bản; tổ chức các chiến dịch điều tra ở các xã, phường kết hợp với việc cấp phát các loại tờ rơi, áp phích liên quan đến bệnh phong; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác chuyên trách phong, da liễu tuyến huyện, xã và cộng tác viên y tế thôn, xóm...
Với nhiều nỗ lực, từ năm 2017 đến nay, Thái Nguyên không phát hiện thêm ca bệnh phong mới. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025, ngành chức năng sẽ đi sâu chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong; phòng ngừa biến chứng và tàn tật mới, tránh nhiễm khuẩn, nâng cao đời sống cho bệnh nhân phong; tiến hành kiểm tra, đánh giá, tiến tới loại trừ bệnh phong tuyến huyện.
Bác sĩ Vũ Nguyên Thiện, Trưởng Khoa Da liễu - Chống phong cho rằng: Thái Nguyên cần tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống phong các cấp; tạo sự đồng thuận trong đội ngũ làm công tác chống phong từ tỉnh đến xã; tổ chức khám phát hiện bệnh nhân phong mới qua các hình thức khám lồng ghép cùng các chương trình khác… Tập huấn cho cộng tác viên kỹ năng nhận biết bệnh phong, quản lý điều trị, giáo dục y tế và chăm sóc tàn tật cho người bệnh tại nhà; tập trung khám phát hiện, điều trị tại nhà đúng phác đồ, đủ liều cho tất cả bệnh nhân phong.