Vài năm trở lại đây, số thanh, thiếu niên nghiện thuốc lá ở Thái Nguyên có chiều hướng gia tăng. Nhất là tình trạng hút thuốc lá điện tử, thuốc lá có các thành phần hóa học không rõ nguồn gốc…
Anh N.T.K, 20 tuổi, ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), cho hay: Hơn 1 năm trước, tôi bắt đầu làm quen với loại thuốc lá có mùi vị hoa quả. Mùi thơm của chúng khiến cho tôi cảm thấy thích thú và thích hút thuốc lá từ lúc nào không hay. Hiện nay, tôi đang cố gắng giảm dần để sớm từ bỏ thuốc lá.
Còn anh N.T.H, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), 30 tuổi, nói: Do đặc thù công việc thường phải thức khuya nên để đầu óc bớt căng thẳng, tôi đã tìm đến thuốc lá. Số lượng thuốc hút mỗi ngày tăng dần theo thời gian. Đến nay, tôi nghiện thuốc được 8 năm rồi. Vào các buổi sáng, tôi thường thấy khó thở, ho khan… và rất muốn cai thuốc lá nhưng chưa thực hiện được.
Ngoài 2 trường hợp nêu trên còn có rất nhiều thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đang nghiện thuốc lá. Đặc biệt, nhiều học sinh cấp 2, cấp 3, thường giấu cha mẹ, thầy cô, tụ tập ở một số tụ điểm để hút thuốc lá, thỏa mãn sự tò mò và muốn thể hiện bản thân.
Đáng nói là, trước tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng cao, các tập đoàn thuốc lá trong, ngoài nước đã, đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để thu hút đối tượng tiêu dùng là thanh, thiếu niên. Theo đó, những nhà sản xuất đã tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm với thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị và giá rẻ.
Bác sĩ Lê Thu Hà, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho rằng: Thuốc lá thế hệ mới nhắm tới giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên Internet). Theo con số tôi nắm được, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở thanh niên Việt Nam gia tăng nhanh đáng kể trong vài năm trở lại đây. Năm 2015, tỷ lệ hút các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là 1,1% và chiếm 0,2% số người đang sử dụng thuốc lá thì hiện nay có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới của học sinh từ 13 đến 17 tuổi đang chiếm gần 3%...
Chúng tôi được biết, các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng … có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Chất nicotine có trong thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh,
Bên cạnh đó, trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: Glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi, gây hại đối với sức khỏe…
Tình trạng trẻ hóa đối tượng nghiện thuốc đang là thực tế đáng báo động, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc tuyên truyền, nâng cao nhân thức cho thanh, thiếu niên về những tác hại do thuốc lá gây ra.
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã đưa nội dung của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào các bài học ở bộ môn Giáo dục công dân; xử lý nghiêm các trường hợp hút thuốc trong trường hoc. Cùng với đó là phối hợp với các gia đình theo dõi, quản lý học sinh khi ở ngoài trường học, phòng tránh tình trạng học sinh tụ tập hút thuốc lá…
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, gia đình, nhà trường cần tạo cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, không khói thuốc lá, góp phần xây dựng môi trường làm việc và tổ ấm gia đình không khói thuốc…