Chủ động bảo vệ sức khỏe “khúc” giao mùa

07:48, 13/04/2022

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa xuân - hạ, thời tiết thay đổi bất thường nên nhiều người dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp; truyền nhiễm; ngộ độc thực phẩm… trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, bởi thế, mỗi người, mỗi nhà cần nâng cao ý thức, chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, tránh để dịch trùng dịch.

Gần một tuần nay, Phòng Khám Nhi khoa An Thịnh, ở số 438/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), tiếp đón khá nhiều bệnh nhi. Hầu hết trẻ đến đây đều được chẩn đoán viêm họng cấp, viêm phế quản… Chị Nguyễn Thu Cúc, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), cho hay: Con gái tôi hơn 3 tuổi. Cháu bắt đầu có hiện tượng sốt cao từ hôm qua. Do ho nhiều, ăn vào thường bị nôn nên cháu rất mệt, quấy khóc. Gia đình cũng lo cháu bị mắc COVID-19 nên đã làm test nhanh, rất mừng là kết quả âm tính. Vì thế, tôi đưa cháu đến đây để được các y, bác sĩ khám, kê thuốc. Qua thăm khám, cháu được chẩn đoán bị viêm họng cấp, phải điều trị ít nhất 7 ngày.

Tương tự, tại các cơ sở y tế, kể cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn, số trẻ em đến khám các bệnh về đường hô hấp cũng tăng khá cao. Ngoài ra, còn có rất nhiều người cao tuổi cũng mắc các bệnh này và gọi điện đến tổ tư vấn điều trị COVID-19 tại cộng đồng để được tư vấn.

Bác sĩ Ngô Thị Nụ, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) nói: Nhiều người cao tuổi gọi điện thoại đến để được tư vấn với tâm trạng rất lo lắng. Hầu như ai cũng nghĩ mình đang mắc COVID-19. Tuy nhiên, khi được test nhanh sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 thì đều cho kết quả âm tính. Nguyên nhân các cụ bị ho, mệt là do mắc bệnh viêm phổi, viêm họng mãn tính…

Có thể thấy, tiết trời giao mùa như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), lý giải: Vào “khúc” giao mùa xuân – hạ, thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột, khi nắng nóng, hanh khô; lúc lại mưa phùn ẩm ướt tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút phát triển. Bởi vậy, những người có sức đề kháng kém thường rất dễ mắc bệnh trong khoảng thời gian này. Đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp; bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, thủy đậu, chân tay miệng; ngô độc thực phẩm (do thức ăn dễ ôi thiu)…

Theo thông tin từ Sở Y tế, năm 2021, các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh không có diễn biến bất thường; số ca bệnh phát hiện chỉ nhỏ lẻ, không đáng kể. Toàn tỉnh chỉ có 3 ca tử vong do bệnh dại (2 trường hợp tại Định Hóa, 1 trường hợp tại T.P Phổ Yên). Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Để tránh dịch trùng dịch khi trên địa bàn tỉnh vẫn có vài trăm ca mắc COVID-19 mỗi ngày như hiện nay thì các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến xã, huyện cần nỗ lực hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt là tập trung điều trị (theo hình thức nội, ngoại trú) các loại bệnh về đường hô hấp; điều trị, khống chế bệnh truyền nhiễm một cách triệt để, ngay từ cơ sở để giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên.

Cùng với sự nỗ lực của trên 4.000 cán bộ y tế trong tỉnh, người dân cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách giữ ấm cơ thể, nhất là vào buổi đêm và sáng sớm; khi đi ra ngoài phải thực hiện 5K, đeo khẩu trang, đội mũ; sử dụng nước muối vệ sinh mũi, họng… để tránh nhiễm các bệnh về đường hô hấp. Đồng thời thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ; dọn sạch các vũng nước đọng xung quanh nhà để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, chăm chỉ tập luyện thể dục - thể thao… để nâng cao sức khỏe.