Nhiều bạn trẻ đang lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử là sành điệu, không độc hại... nhưng không ít trường hợp chỉ hút thuốc lá điện tử lại ngộ độc ma túy, có thể đã nghiện ma túy mà không biết.
Thời gian gần đây, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đều tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trung tâm vừa vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu. Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch do tổn thương và suy nhiều cơ quan, trong đó nặng nhất là tổn thương não lan tỏa tại tất cả các vị trí. Trường hợp của bệnh nhân gần giống như ca đột quỵ não nhưng nặng hơn rất nhiều. Nếu đột quỵ não chỉ gây tổn thương nhỏ ở một số vị trí thì ở trường hợp này là tổn thương gần như toàn bộ não.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương, suy tim nặng, suy thận và tổn thương gan. Tiên lượng điều trị và hồi phục của bệnh nhân là vô cùng dè dặt. Khai thác qua người nhà được biết: Bệnh nhân chưa hút thuốc bao giờ nhưng một buổi tối đi chơi với bạn, bệnh nhân đã hút thuốc lá điện tử. Vài tiếng sau bệnh nhân bất tỉnh và được bạn bè đưa đi cấp cứu. "Chúng tôi đã gửi mẫu tinh dầu đi đến Viện Pháp y Quốc gia xét nghiệm và tìm thấy một chất cần sa tổng hợp ADB-BUTINACA. Đây là chất cần sa tổng hợp rất mới, xuất hiện ở thuốc lá điện tử và gây ngộ độc nguy hiểm cho người hút", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đã và đang điều trị tại trung tâm đều bị rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng... Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và có những trường hợp là học sinh trung học phổ thông.
“Tôi cho rằng các ca "ngất xỉu, vật vã, kích thích" sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy. Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục, thậm chí thay đổi theo sở thích của người dùng nên việc xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới là vô cùng khó khăn. Có lúc các phòng xét nghiệm tiên tiến nhất cũng "bất lực" không tìm được chất lạ gây ngộ độc trong mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân dùng", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Mặt khác, ngoài một số thuốc lá điện tử quảng cáo là không có nicotin thì hầu hết các loại thuốc điện tử còn lại đều có chất nicotin. Hơn thế nữa, thuốc lá điện tử còn được chế thêm nhiều chất tạo vị, tạo mùi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những chất này khi bị đốt cháy đều có nguy cơ gây ngộ độc, tổn thương cho các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ ung thư cho người hút.
Cụ thể như mấy năm trước, ở Hoa Kỳ đã có hàng loạt ca tổn thương phổi nghiêm trọng, thậm chí có ca tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử chứa vitamin E. Người ta đã chỉ ra rằng vitamin E khi bị đốt cháy đã gây tổn thương phổi. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn được trộn nhiều loại ma túy tổng hợp để tăng “phê”, tăng độ kích thích cho người dùng. Hơn nữa, liều lượng ma túy này cũng không theo công thức nào mà tùy chỉnh theo sở thích. Điều này là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thuốc lá điện tử vừa qua.
Thực tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử để "cai nghiện" thuốc lá truyền thống là không có cơ sở. Thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử đều nguy hại như nhau và cần được loại bỏ dần ra khỏi đời sống.
"Nhà nước cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để từng bước hạn chế và tiến tới ngăn cấm thuốc lá điện tử được bán tràn lan trên mạng như hiện nay. Những sự độc hại của thuốc lá điện tử rất khó lường và đang phá hủy sức khỏe, tương lai của nhiều thanh niên", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.