Hiện nay, Thái Nguyên có trên 288 nghìn trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi và hàng trăm nghìn trẻ dưới 5 tuổi. Những năm trở lại đây, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cải thiện nhưng tình trạng trẻ em thiếu vitamin A, thiếu sắt, kẽm, suy dinh dưỡng thấp còi... vẫn còn. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên. Do đó, quan tâm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ nhỏ luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh đặc biện quan tâm.
Trường Mầm non 19-5 (TP. Thái Nguyên) hiện có gần 1.000 học sinh ở các lứa tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Cô giáo Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Nhà trường cho hay: Để trẻ phát triển khỏe mạnh, ngoài chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi luôn quan tâm đến khẩu phần ăn của các con. Các bữa ăn của trẻ đều đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột đường, chất béo, chất đạm, khoáng chất và vitamin. Đặc biệt, chúng tôi còn thường xuyên bổ sung sữa để các con cải thiện chiều cao, câng nặng…
Ngoài Trường Mầm non 19-5, các trường mầm non trên địa bàn cũng rất quan tâm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ. Theo đó, những trường học có tổ chức bếp ăn quan tâm tới việc bổ sung đủ dinh dưỡng cho học sinh phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Đối với các bậc phụ huynh ở khu vực thành thị, việc bổ sung đủ các vi chất, dinh dưỡng cho con cái được đặt lên hàng đầu. Chị Hà Thị Kiều, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), nói: Để các con phát triển khỏe mạnh, ngoài việc bổ sung các vitamin cần thiết như A, B, C, sắt, kẽm… tôi rất quan tâm tới bữa ăn của con, khuyến khích con bơi lội, chạy bộ, chơi bóng rổ…
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các nhà trường, bậc phụ huynh ở Thái Nguyên đều quan tâm bổ sung dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và thanh niên.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng có những hoạt động rất tích cực để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ. 6 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em thực hiện khảo sát Bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho 36 bà mẹ có con trong độ tuổi 7-60 tháng tuổi; đánh giá hiệu quả sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em tại 8 trường học ở Phú Lương. Đồng thời xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát uống bổ sung vitamin A kết hợp cân, đo chiều cao trẻ em dưới 5 tuổi đợt I năm 2022.
Nhờ đó, tỷ lệ trẻ từ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh được uống vitamin A đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi chiếm 9,1%, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể chiều cao/tuổi là 12,7%, giảm 0,6% so với cùng kỳ...
Có thể thấy, thời gian qua Thái Nguyên đã thực hiện khá tốt việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh còn không ít khó khăn nên vấn đề dinh dưỡng cho trẻ ở vùng khó chưa được quan tâm đúng mức.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, hiệu quả, dễ đạt độ bao phủ cao có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho trẻ. Bởi vậy, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này...
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ. Có thể phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ em ra 3 thể: Nhẹ cân, thấp còi và gầy còm. |