Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận gần 200.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi thế giới là 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67.9%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao, thuộc top đầu thế giới.
Người bệnh chuẩn bị được xạ bằng máy Gia tốc tuyến tính đa năng Elekta SynergyPlatform - Máy xạ trị gia tốc hiện đại trong điều trị bệnh ung thư. |
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều người bệnh ung thư vẫn được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân đến từ sự chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ và những sai lầm khác trong quan niệm…
Vốn là nhân viên y tế đã về hưu, hàng tháng bà N.T.K.A (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) vẫn đi lấy thuốc huyết áp và tiểu đường, nghĩ đã lấy máu kiểm tra nên bà cũng không khám sức khỏe tổng thể.
Gần đây, bà A thấy mất ngủ, chán ăn, hoa mắt chóng mặt nên đến viện thăm khám. Sau khi xét nghiệm phát hiện hồng cầu của bà giảm sâu, thiếu máu, các bác sĩ tiếp tục cho bà làm thêm các xét nghiệm cần thiết thì phát hiện ung thư đại tràng, đã di căn hạch lân cận cùng nhu mô gan.
Bà A chia sẻ: Tôi rất tiếc vì không đi khám sớm hơn dù trước đó đã biết bản thân bị viêm đại tràng. Nếu được phát hiện sớm thì bệnh tình của tôi đã không đến mức như thế này, điều trị cũng đơn giản và đỡ tốn chi phí hơn.
Còn ông L.V.H (cũng ở TP. Thái Nguyên), chỉ đến khi thấy người mệt mỏi, không muốn nói chuyện với ai, ông mới đến viện khám và phát hiện mắc ung thư đại tràng đã có di căn. Sau mổ, ông đang được truyền hóa chất đợt 5. Ông H cho biết: Chúng tôi mải làm ăn, nếu không có vấn đề gì thì cả đời chẳng bao giờ đến viện khám.
Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, hàng năm tiếp nhận điều trị từ 700 – 1.000 người bệnh ung thư mới mắc, trong đó tỷ lệ di căn xa chiếm khoảng 20 - 30%. Không ít trường hợp lần đầu tiên được chẩn đoán ung thư thì khối u đã to và di căn xa, dù trước đó không có biểu hiện gì đặc biệt.
Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm thường gặp người bệnh mắc ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan… khi đến đã ở giai đoạn xa. Đây là những bộ phận nằm sâu bên trong cơ thế nên khó phát hiện bệnh hơn so với những ung thư khác như tuyến giáp, tuyến vú. Nhiều người chủ quan, không đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cùng với đó, do bản chất bệnh ung thư thể ác tính cao, khi xuất hiện ở các cơ quan, bộ phận nguyên phát sẽ đồng thời có di căn xa.
Không chỉ do chủ quan hay không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết khi tự ý bỏ điều trị và tìm đến các phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam.
Trường hợp của người bệnh N.T.N là điển hình. Khi phát hiện bản thân bị K vú giai đoạn 1, vì lo bị tim bẩm sinh, không mổ được, chị đã bỏ điều trị ở viện vì nghe mọi người mách đến một thầy lang đắp thuốc nam có thể khiến khối u teo đi. Sau 1 thời gian đắp lá do thầy lang kê, khối u cũng nhỏ đi. Tuy nhiên 2 tháng sau, chị thấy nóng rát vùng ngực, những ngày gần đây xuất hiện đau lưng dữ dội, thậm chí chỉ có thể nằm im 1 tư thế. Qua chẩn đoán của các bác sĩ, từ K vú giờ đây chị nhiều khả năng đã bị di căn sang xương.
Từ bệnh tình thực tế của rất nhiều người bệnh đã và đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu, các bác sĩ khuyến cáo: Việc phát hiện sớm bệnh ung thư rất quan trọng bởi có thể chữa lành. Tất cả những tạng nằm sâu bên trong cơ thể như gan, dạ dày, đại trực tràng, phổi… ở giai đoạn đầu của bệnh khối u nhỏ, thường không có biểu hiện gì.
Do đó, để chăm sóc sức khỏe tốt, sớm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, mọi người cần có lịch đi khám sức khỏe định kỳ (6 tháng 1 lần). Bởi khi chúng ta có thể cảm nhận được những bất thường trong cơ thể cũng là lúc khối u có thể đã lớn và di căn xa, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin