Sau bão lũ, nguồn nước bẩn ngập tràn nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tại gia đình, khu dân cư. Trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã xuất hiện một số trường hợp được chẩn đoán nhiễm khuẩn tổng hợp. Do đó, mọi người cần hết sức lưu ý, tiếp tục quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa, không chủ quan khi thấy những dấu hiệu bất thường.
Một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn được điều trị tại bệnh viện, hiện sức khỏe đã ổn định. |
Khoảng 1 tuần trở lại đây, tại một số xã, phường của TP. Thái Nguyên xuất hiện những trường hợp có biểu hiện sốt cao, ho, đau đầu, nhức mỏi toàn thân… Trong số này có nhiều người tự mua thuốc điều trị tại nhà, đến nay đã dứt sốt nhưng vẫn mệt mỏi; một số trong tình trạng nặng hơn sau khi nhập viện đã được chuyển về tuyến Trung ương điều trị; một số khác được điều trị tại bệnh viện tỉnh. Về cơ bản, sức khỏe của các trường hợp này đều đã ổn định.
Chúng tôi được biết, phần lớn các ca bệnh đều có nhà bị ngập, vì thế rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn. Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Khi ngập lụt, nước ở cống rãnh, ao tù, chuồng trại… đều hòa chung vào nguồn nước lũ gây ra nhiễm khuẩn diện rộng, vì mầm bệnh nằm sẵn ở các cống rãnh, với nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Do đó, khi chúng ta tiếp xúc với nước nhiễm khuẩn chỉ cần có vết xước nhỏ trên da hoặc thông qua niêm mạc, vi khuẩn đã có thể xâm nhập vào cơ thể. Thời gian ủ bệnh của mỗi người, đối với mỗi loại mầm bệnh là khác nhau, có thể từ 3-5 ngày, có khi 7-10 ngày, thậm chí là nửa tháng… Đối với những người có bệnh lý nền, mạn tính, nếu không kịp thời được phát hiện, điều trị tích cực sẽ dẫn đến diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
Mặc dù ngành Y tế những ngày qua đã rất nỗ lực trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng và người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn những khu vực bị ngập, nhưng chủ yếu vẫn là tại các gia đình và những địa điểm công cộng, khu vực có nguy cơ cao... Còn tại các chuồng trại, vườn, đồng ruộng chưa thể thực hiện triệt để. Do đó, nguồn bệnh vẫn tồn tại rất nhiều. Vì thế người dân làm việc tại đây hoàn toàn có thể tiếp xúc với mầm bệnh nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.
Một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn được điều trị tại bệnh viện. |
Trong số các trường hợp nhiễm bệnh sau lũ, rất đáng tiếc có một người đã tử vong ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Sau lụt, người này dọn dẹp nhà cửa không may dẫm phải đinh, nhưng không đi tiêm uốn ván, cũng không dùng thuốc kháng sinh. Đến ngày 22-9 sốt cao, mệt mỏi nhiều nên đi khám tại một số bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán nhiễm trùng máu. Thay vì phải nhập viện điều trị, bệnh nhân đã trở về nhà, 2 hôm sau thì tử vong.
Trước thực trạng nguy cơ nhiễm khuẩn sau lũ vẫn còn tiềm ẩn, ngành Y tế tiếp tục có những khuyến cáo đến người dân, cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng tránh: Lau sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang… bằng các dung dịch khử khuẩn; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những nguồn nước, đất không đảm bảo vệ sinh. Nếu buộc phải tiếp xúc thì cần có phương tiện bảo hộ, sau đó vệ sinh ngay bằng nước sạch và xà phòng. Thực hiện ăn chín, uống chín, tránh sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch.
Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ thêm: Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, bởi ngành Y tế vẫn đang tích cực giám sát để phát hiện sớm và xử lý triệt để; có nơi tuy đã xuất hiện một vài ca bệnh với những biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng đây chưa phải là dịch. Khi người dân có biểu hiện bất thường như: sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau một số vị trí trên cơ thể hoặc buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời; tuân thủ nghiêm hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin