Kết nối dịch vụ chăm người bị ảnh hưởng HIV/AIDS

15:20, 18/09/2012

Chúng tôi có dịp cùng cộng tác viên trẻ em đến thăm gia đình anh Bùi Văn H. xóm Làng Chu, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) bị nhiễm HIV. Trong căn nhà mới xây còn chưa kịp quét vôi ve, anh H. khá cởi mở chia sẻ với chúng tôi về căn bệnh của mình.

Anh cho biết: Tôi cũng không biết mình mắc bệnh từ khi nào, chỉ đến cuối năm 2008, thấy sức khỏe giảm sút, tôi đi xét nghiệm thì biết mình mang trong người vi rút HIV. Ban đầu, tôi rất sốc, chỉ muốn chết nhưng nghĩ đến vợ và các con, tôi lại có thêm nghị lực để vượt qua. Với người thân, hàng xóm, tôi không giấu bệnh nên nhiều người đã không còn kỳ thị. Khi đi xin việc, tôi cũng nói trước với chủ là mình có bệnh để họ thông cảm và chia sẻ. Hiện tôi sử dụng thuốc ARV và thấy sức khỏe ổn định. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn về dinh dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ, phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng…

 

Không chỉ anh H. mà hầu hết những người nhiễm HIV ở Minh Lập đều không cảm thấy sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh. Nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS của người dân ở đây đã có nhiều thay đổi. Chị Hoàng Kim Chung, Cộng tác viên trẻ em xóm Làng Chu cho biết: Chúng tôi được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hành công tác xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đó là kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tự bảo vệ mình và người khác khỏi bị ngược đãi, xâm hại, biện pháp tự bảo đảm sự an toàn, tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi tâm lý, thể chất đối với trẻ bị xâm hại, bị bạo lực; trợ giúp các em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, thực hiện các phúc lợi xã hội… Từ những kiến thức được tập huấn, chúng tôi có trách nhiệm tuyên truyền đến những người nhiễm H và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Xóm tôi hiện có 4 người nhiễm HIV và 7 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Hàng tháng, chúng tôi đều cập nhật thông tin về nhu cầu của trẻ và đã nhận được sự hợp tác của các gia đình. Sự kỳ thị về căn bệnh này không còn nhiều và nặng nề như những năm trước đây.

 

Được biết, Mô hình kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ em bị ảnh bởi HIV/AIDS do Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ Catholic Relief Services tại Việt Nam (CRS) triển khai thực hiện tại xã Minh Lập (Đồng Hỷ) từ cuối năm 2010. Qua thực hiện mô hình đã cung cấp nhiều kiến thức về cách phòng, chống HIV/AIDS không chỉ cho những người nhiễm HIV mà còn cho cả cộng đồng. Chị Lê Hồng Nhíp, cán bộ lao động – TBXH xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 90 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, trong đó có 4 trẻ nhiễm. Hàng tháng, các cộng tác viên thu thập thông tin bằng phiếu tại gia đình để nắm bắt nhu cầu của trẻ về dinh dưỡng, giáo dục, nhà ở, y tế, chính sách xã hội, tư vấn, giới thiệu xét nghiệm… sau đó, tổng hợp ý kiến, đề xuất nhu cầu của trẻ và có kế hoạch kết nối dịch vụ để giải quyết các nhu cầu.

 

Từ khi thực hiện đến nay, Mô hình đã hỗ trợ sách vở cho 14 trẻ, tặng sữa cho 10 trẻ; 100% trẻ được đi học; 3/4 trẻ nhiễm HIV được hưởng hỗ trợ hàng tháng với mức 180.000 đồng/tháng (trẻ còn lại đang làm thủ tục hỗ trợ hàng tháng); mở 5 lớp tập huấn kiến thức về phòng tránh lây nhiễm, cách chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… Do kinh phí hỗ trợ của Mô hình còn hạn chế, nên khi có các chương trình hỗ trợ, tặng quà từ các nguồn khác, xã cũng quan tâm nhiều hơn đến đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để các cháu đỡ thiệt thòi. Một thuận lợi trong công tác tuyên truyền là trên địa bàn xã có Câu lạc bộ Làm mẹ với các thành viên là những người có HIV nên việc tuyên truyền, vận động phòng, chống lây nhiễm HIV và cách bảo vệ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV ở cộng đồng được thực hiện thường xuyên hơn, những kiến thức mới về căn bệnh này cũng được các thành viên chủ động tìm hiểu để phòng tránh lây bệnh cho người thân...

 

Cũng theo chị Nhíp, hiện nay, 21 cộng tác viên thực hiện mô hình ở xã đang làm với lòng nhiệt tình, trách nhiệm bởi với mức hỗ trợ 30.000 tháng/cộng tác viên không đủ tiền xăng xe đi họp ở xã, chưa kể việc phải đến các gia đình có trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thu thập thông tin hàng tháng. Trong khi đó, việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ và người thân của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để thu thập thông tin đòi hỏi cộng tác viên phải có kiến thức, kỹ năng nhất định. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Mô hình, cần làm tốt hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng, để trang bị kiến thức, kỹ năng trợ giúp cho những người chăm sóc, hỗ trợ trẻ có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và coi đây là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành và mọi người dân, để góp phần làm giảm sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...