Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến nay, toàn tỉnh có 8.548 người nhiễm HIV, 3.888 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 1.795 người đã tử vong.
Trong số những người bị nhiễm HIV trên địa bàn có 152 em ở độ tuổi từ 0-12 tuổi (chiếm 1,78%), 57 em trong độ tuổi từ 13-19 tuổi (chiếm 0,67%) và 3.114 người ở độ tuổi từ 20-29 tuổi (chiếm tới 36,43%). Qua đây cho thấy tốc độ lây nhiễm HIV ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang ngày một gia tăng. Để công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS đến được với thế hệ trẻ một cách có hệ thống thì không có ưu thế nào hơn kênh giáo dục của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Trong những năm gần đây, ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo cho các tầng lớp học sinh, sinh viên (HSSV) được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và dự phòng lây nhiễm HIV.
Ngành GD-ĐT tỉnh hiện đang quản lý trên 100.000 HSSV ở các cấp học. Là một thành viên chủ chốt trong Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, ngành xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS cho thế hệ trẻ. Ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường phổ biến nội quy học tập, trong đó có nội dung về phòng, chống HIV/AIDS, yêu cầu HSSV và gia đình cùng ký cam kết thực hiện lối sống lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích, không buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Sở cũng xây dựng chương trình hành động về phòng, chống HIV/AIDS chung cho toàn ngành, có kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến tất cả các cấp học nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt chú trọng việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV. Tổ chức nhiều hội thảo về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cho các giáo viên và HSSV, cấp hàng chục nghìn tài liệu, hàng trăm đĩa DVD giảng dạy về phòng, chống HIV/AIDS đến các bộ môn ở các trường học…
Để những hoạt động này đi vào nền nếp và có hiệu quả, Sở cũng định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với từng trường học. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống HIV/AIDS đã được các trường nhiệt tình hưởng ứng. Đơn cử như Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên hàng năm đều có kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tới các khoa, đoàn thể, các phòng, ban, bộ môn trong toàn Trường. Ban chấp hành Đoàn trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thi dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú về chủ đề phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội định kì vào ngày 1-12 hàng năm (ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS), thu hút đông đảo sự tham gia dự thi và cổ vũ của SV.
Đoàn trường cũng phối hợp với Dự án phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên tỉnh tổ chức tập huấn cho các cán bộ Đoàn của Trường nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề này cho đoàn viên thanh niên. Đây là những tuyên tuyền viên nòng cốt phối hợp với giáo viên các bộ môn để tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, diễn đàn định kì cho SV trong Trường về nhiều chủ đề khác nhau (như giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS, tình dục an toàn, kế hoạch hóa gia đình...). Qua đó góp phần giúp SV tránh xa được các tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS…
Hiện nay, công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống HIV/AIDS được gắn với nội dung bài học của các bộ môn liên quan (như Sinh học, Địa lí, Giáo dục công dân, Văn học…) theo hình thức tích hợp nhằm cung cấp cho HSSV những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS, hoặc thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ, tổ chức chuyên đề, báo cáo… Nội dung này cũng được đưa vào các hoạt động tương tự trong chương trình đào tạo SV của các trường sư phạm nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng về giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS cho các giáo viên tương lai, giúp họ thực hiện tốt các bài giảng về nội dung này trong trường phổ thông.
Được biết, trong năm học 2012-2013 và những năm tiếp theo, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể trên cơ sở Kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, vấn đề giáo dục dự phòng HIV trong hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy sẽ bao gồm việc xây dựng chương trình giảng dạy về phòng, chống HIV cho hệ trung học trong các môn học cụ thể (Sinh học, Giáo dục công dân, Ngữ văn); lồng ghép giáo dục dự phòng HIV vào các hoạt động của cùng chương trình giảng dạy (trung học); định hướng giáo dục dự phòng HIV cho tất cả cha mẹ học sinh trung học; đào tạo kỹ năng giáo dục dự phòng HIV cho giáo viên trung học và cho tất cả các hiệu trưởng; tăng cường giáo dục về phòng, chống HIV trong các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên...