Tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV trong khám chữa bệnh

13:53, 20/12/2016

Dự kiến từ năm 2017, nước ta bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 15% số bệnh nhân; tăng dần trong những năm tiếp theo và phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua bảo hiểm vào năm 2020. Nếu thực hiện được theo lộ trình này, kinh phí cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ là 1.050 tỷ đồng, chiếm 36% tổng kinh phí ARV.

Theo quy định, người dân nói chung và người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y hay Trung tâm Y tế huyện có khám chữa bệnh, phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện…

 

Tuy nhiên, người nhiễm HIV nên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện huyện có khám và điều trị HIV/AIDS (có điều trị bằng ARV) gần nhà. Bởi điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời, do vậy người nhiễm HIV sẽ dễ dàng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị HIV/AIDS; đồng thời người bệnh sẽ thuận tiện hơn, không cần giấy chuyển tuyến. Người nhiễm HIV vẫn có thể đăng ký điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS tuyến trên, nhưng nếu không đúng tuyến thì mỗi năm cần giấy giới thiệu chuyển tuyến một lần.

 

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn: Người tham gia bảo hiểm nhiễm HIV nếu có nhu cầu thì được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở y tế có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS cấp huyện, tỉnh. Việc thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế có thể được thực hiện vào đầu mỗi quý.

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: Tham gia và khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế không ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân hoặc gia tăng kỳ thị phân biệt đối xử. Bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định trong Luật Khám chữa bệnh và các quy định pháp luật khác.

 

Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cũng không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử. Khi người nhiễm HIV đến khám tại các phòng khám bệnh cũng sẽ có quy trình khám chữa bệnh chung như mọi bệnh nhân khác.

 

Đặc biệt, người nhiễm HIV là lao động ngoại tỉnh vẫn có thể tham gia bảo hiểm y tế với nhiều lựa chọn như: Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đang tạm trú, tham gia bảo hiểm y tế bình thường theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành; tham gia bảo hiểm y tế tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú và theo quy định hiện nay đã thông tuyến khám chữa bệnh đến tuyến huyện. Do vậy, người nhiễm HIV vẫn có thể sử dụng thẻ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi lao động tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ bảo hiểm y tế hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương…