Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 676 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó khoảng 600 người đang ở địa phương. Số người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng tăng, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ. Điều này đòi hỏi giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để quản lý, từng bước kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn này.
Cách khá xa trung tâm huyện nhưng xã Văn Yên lại là một trong những điểm “nóng” về ma túy. Ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng công an xã nhẩm tính: Theo hồ sơ quản lý Văn Yên có 18 người nghiện, nhưng thực tế con số này có thể hơn khá nhiều. Lý do là hầu hết đối tượng thuộc diện nghi vấn không thường xuyên ở địa phương, trong khi để xác định là người nghiện thì phải 3 lần kiểm tra có kết quả dương tính trong thời gian 6 tháng. Mấy năm trở lại đây, năm nào lực lượng chức năng cũng phối hợp phát hiện và triệt phá 1-2 tụ điểm ma túy trên địa bàn.
Nói về quản lý đối tượng nghiện, ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên trăn trở: Cùng với ma túy, số người nhiễm HIV/AIDS ở xã cũng lên đến con số 35. Xã đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy; trực tiếp đến các gia đình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có giải pháp hỗ trợ. Tuy vậy, vướng mắc ở chỗ các cháu chủ yếu ra ngoài làm ăn hoặc học tập không tự chủ được nên sa vào tệ nạn, địa phương rất khó nắm bắt. Thêm nữa, các biện pháp tổ chức cai tập trung hoặc điều trị cai nghiện tại cộng đồng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thực tế ở Văn Yên cũng là khó khăn chung trong công tác quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Đại Từ. Theo đánh giá của UBND huyện, bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được, việc đấu tranh với tệ nạn ma túy còn nhiều hạn chế. Cụ thể là nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác cai nghiện và cho rằng đó là trách nhiệm của lực lượng công an; chưa quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể nên không hoàn thành chỉ tiêu huyện giao. Việc rà soát, thống kê số người nghiện chưa thường xuyên; quản lý giáo dục người nghiện ở địa phương chưa hiệu quả dẫn đến lập khó hồ sơ. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ như vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế nên tỷ lệ người sau cai trở về địa phương lại tiếp tục tái nghiện là phổ biến.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, huyện Đại Từ đã và đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Với phương châm phòng chống là chính, các địa phương tăng cường tuyên truyền với hình thức phù hợp và hướng nhiều đến đối tượng trẻ tuổi; duy trì tốt hoạt động của ban chỉ đạo tự quản về án ninh trật tự cấp xã, các tổ tự quản an ninh nhân dân và tổ hòa giải ở thôn xóm. Với cấp xã, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức cho hội viên ký cam kết không để ma túy xâm nhập vào gia đình. Các thôn, xóm thiết lập “đường dây nóng”, khi phát hiện cá nhân nào có dấu hiệu sử dụng, tàng trữ ma túy hay người khả nghi từ nơi khác đến thì lập tức báo công an viên, công an xã để xác minh, xử lý.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về quản lý, hỗ trợ người nghiện thì kinh nghiệm tại xã Cát Nê - địa bàn trắng về ma túy của huyện Đại Từ rất đáng tham khảo. Ông Vũ Ngọc Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Gần chục năm nay Cát Nê không có người vướng vào tệ nạn ma túy, gần đây chỉ 1-2 trường hợp nhưng được quản lý chặt và đã đưa đi cai nghiện tập trung. Chúng tôi xác định phòng ngừa và đấu tranh với tệ nạn ma túy không phải nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Ở Cát Nê, nội dung tuyên truyền về tác hại ma túy được triển khai rộng rãi đến từng khu dân cư. Mỗi đoàn thể chủ động cho đoàn viên, hội viên ký cam kết không để các thành viên trong gia đình vướng vào tệ nạn ma túy.
Đồng thời, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình an ninh trật tự nơi mình sinh sống, khi có biểu hiện nghi vấn lập tức báo với cấp hội và cơ quan công an. Tại nhà văn hóa tất cả các xóm đều có “Hòm thư tố giác tội phạm” cùng số điện thoại của công an viên để người dân thông báo khi cần. Với trường hợp cai nghiện tại cộng đồng hoặc tập trung thì chính quyền, đoàn thể và người dân thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Đó cũng là một trong những động lực quan trọng để người nghiện dứt hẳn với tệ nạn ma túy.