Không còn là một tép, một bánh mà là cân, chục cân và cả tấn ma túy được các đối tượng vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn cả nước thời gian gần đây. Có thể nói, chưa lúc nào, tội phạm ma túy lại đáng báo động như hiện nay. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề này.
Vụ vận chuyển, tiêu thụ ma túy lớn nhất bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ là tại tỉnh Nghệ An hồi đầu năm nay với số lượng ma túy đá lên tới trên 700kg. Các đối tượng đã đựng ma túy vào bao tải và vứt ven đường rất ngang nhiên nhưng cũng nhằm mục đích qua mặt lực lượng chức năng và tai mắt nhân dân. Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, cách nay hơn 2 tháng, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng người nước ngoài vận chuyển 12 bao tải chứa gần 300kg ma túy đá trên Quốc lộ 8A, gần cửa khẩu Cầu Treo.
Còn tại Thái Nguyên, cuối tháng 5 vừa qua, lực lượng Công an tỉnh đã bắt quả tang đối tượng Trần Thị Kim Chi, sinh năm 1964, trú tại tổ 35, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy tại nhà, tang vật thu giữ 2 bánh hêrôin. Sau khi khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng này, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm 45 bánh hêrôin. Tổng khối lượng ma túy thu giữ là hơn 16,5kg. Đối tượng này khai nhận, mua số ma túy trên với giá gần 9 tỷ đồng để bán lẻ kiếm lời. Trước đó, ngày 23/4, tại tổ 22, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), Công an Thành phố cũng bắt quả tang 2 đối tượng là Nguyễn Thành Luân, sinh năm 1991 và Tạ Đăng Ninh, sinh năm 1993, cùng trú tại xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ trên 225g heroin. Khám xét nhà của Luân, cơ quan Công an thu giữ thêm 37g heroin...
Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, lượng ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, trong đó có 20% tiêu thụ nội địa, còn lại trung chuyển sang các nước khác trong khu vực, thậm chí sang cả châu Âu và Mỹ. Hoạt động sản xuất, mua bán ma túy ở khu vực Đông Nam Á, nhất là vùng Tam Giác Vàng diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển khối lượng lớn ma túy của khu vực. Số liệu của Bộ Công an cho thấy, năm 2018 lực lượng chức năng đã phát hiện trên 24.500 vụ ma túy, bắt giữ khoảng 38.000 người liên quan, thu giữ 1,6 tấn heroin, 1,8 tấn ma túy tổng hợp. Tính trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng cả nước bắt giữ trên 20.000 vụ ma túy với khoảng 30.000 đối tượng liên quan.
Theo các chuyên gia, xu hướng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều. Trước đây, khi người nghiện chủ yếu sử dụng heroin thì chúng ta có giải pháp thay thế bằng methadone, nhưng với ma túy tổng hợp thì hiện chưa có phác đồ điều trị, hoặc nếu có cũng chưa được kiểm chứng mức độ giảm hại. Về biện pháp phòng, chống ma túy được pháp luật quy định rất rõ với những hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, chỉ cần buôn bán 200g ma túy thôi đã phải chịu mức án tử hình, nên các đối tượng thường vận chuyển khối lượng lớn vì cho rằng đằng nào cũng không tránh khỏi hình phạt tử hình nếu bị bắt. Do đó, hoạt động buôn bán ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp, các đối tượng ngày càng liều lĩnh…
Vậy, giải pháp nào để phòng, chống ma túy hiệu quả, không để nước ta trở thành địa bàn trung chuyển ma túy trong khu vực? Các nhà chuyên môn cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện hơn thể chế phòng, chống ma túy vì Luật Phòng, chống ma túy đã ban hành từ lâu, một số điểm đã lạc hậu cần được điều chỉnh, bổ sung. Cần có biện pháp mạnh, tổng thể để ngăn chặn tội phạm ma túy ngay từ khu vực biên giới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh các nước bạn để đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy qua cửa khẩu và đường biên. Tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trong nội địa. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng để có những biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp, hiệu quả cho người nghiện. Và, nên chăng cần thiết khôi phục lại Điều 199 - Bộ luật Hình sự quy định về “tội sử dụng ma túy” để ngăn chăn tình trạng gia tăng người nghiện…