Điều trị “mở” trong cai nghiện ma túy

14:10, 10/07/2019

Những năm gần đây, Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã chuyển đổi điều trị cai nghiện thành phương thức “mở”. Qua đó, góp phần sớm giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, nâng cao hiệu quả cai nghiện.

Bà Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết: Với hình thức cai nghiện “mở”, học viên được tạo điều kiện tiếp cận với xã hội từ giai đoạn cuối của đợt điều trị để sớm hòa nhập. Theo đó, những học viên ở giai đoạn cuối của đợt điều trị, có ý thức kỷ luật tốt, đủ điều kiện sức khỏe và khả năng lao động được dần tiếp xúc với công việc tại ngay tại đơn vị hoặc một số cơ sở sản xuất liên kết dưới sự giám sát của các cán bộ Cơ sở. Điều này giúp học viên vừa có thể kiếm thêm thu nhập, dần hòa nhập cuộc sống. Không những vậy, giúp tăng ý chí phấn đấu, vươn lên của học viên, giảm thiểu tình trạng học viên gây rối, bỏ trốn.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ dùng thuốc cắt cơn, những năm gần đây, tất cả các học viên tại Cơ sở đều được các y, bác sĩ tư vấn kỹ về việc nghiện là một bệnh mãn tính và có thể điều trị. Học viên mới vào Cơ sở được khái quát về các vấn đề liên quan đến bệnh, như ma túy ảnh hưởng đến những bộ phận nào trên cơ thể, phản ứng ra sao, có thể gây hại những gì… Tiếp đến là quy trình điều trị tại Cơ sở, phác đồ sử dụng thuốc. Ở giai đoạn tiếp theo, học viên sẽ được tham gia các lớp học nghề, tư vấn tâm lý, kỹ năng hòa nhập cộng đồng... Trong quá trình điều trị nội trú tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy, mỗi học viên đều được tiếp xúc tâm lý lập bệnh án trị liệu riêng, được tư vấn tạo động lực, sinh hoạt nhóm để thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện.

Anh T.V.D, học viên tại Cơ sở cho biết: Lúc ban đầu khi vào điều trị bắt buộc tại Cơ sở tôi thường né tránh, không tiếp xúc với người khác cũng không muốn hợp tác khi uống thuốc. Tuy vậy, các bác sĩ đã kiên trì giải thích với tôi về quy trình điều trị, tư vấn tâm lý để tôi hiểu được tác hại của ma túy đối với bản thân và gia đình. Trong quá trình điều trị tại Trung tâm, tôi còn được tham gia nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ, lao động, hoạt động xã hội để hòa nhập với cuộc sống.

Còn anh N.H.T chia sẻ: Chỉ còn 2 tháng nữa tôi sẽ kết thúc quá trình điều trị tại Cơ sở. Hiện nay, tôi đang tích cực lao động hằng ngày để sau này có thể xin vào làm việc tại chính doanh nghiệp sản xuất thiệp, cắt giấy thủ công đang đặt hàng các học viên chúng tôi hiện nay. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để đoạn tuyệt vĩnh viễn với ma túy, làm lại cuộc đời.

Được biết, việc lao động của bệnh nhân nằm trong phác đồ điều trị cai nghiện của Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy như một phương pháp trị liệu. Để giúp bệnh nhân có thể quên đi cơn “nhớ” ma túy, sinh hoạt theo nếp sống bình thường, Cơ sở đã tổ chức lao động trị liệu phù hợp với trình độ nhận thức, sức khỏe của từng học viên. Theo các bác sĩ, việc tổ chức lao động được thực hiện vừa nằm trong liệu trình điều trị, vừa nhằm giúp học viên cai nghiện có thêm thu nhập. Tùy theo mức độ lao động, tất cả các học viên đều được chấm công và trả lương theo quy định. Tiền công được học viên sử dụng hằng tháng, số tiền còn dư sẽ được trao lại cho học viên khi hết thời gian cai nghiện. Theo thống kê, trung bình mỗi học viên nhận được từ 3-5 triệu đồng tiền công sau khi kết thúc đợt điều trị, có trường học nhận thù lao đến trên 15 triệu đồng. Việc để học viên tiếp xúc sớm với môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp họ rèn luyện tác phong lao động, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Trong năm 2018, các học viên của Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy đã lao động trên 27.000 ngày công, tổng số tiền thu được tư lao động, gia công sản phẩm là trên 300 triệu đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2019, các học viên đã gia công các sản phẩm mành, trồng rau, chăn nuôi, làm nơ, xây dựng… được trên 24.000 ngày công, với tổng số tiền thu được là gần 270 triệu đồng.

Theo bà Hoàng Hữu Ánh Tuyết: Việc lao động không chỉ có lợi cho quá trình điều trị mà còn giúp học viên sớm hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt, việc một số bệnh nhân chấp hành tốt quy trình điều trị được đưa vào làm việc tại các xưởng sản xuất còn giúp đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, học tập và trị liệu tại Cơ sở. Đa phần bệnh nhân đều thích thú với phương pháp điều trị “mở” như vậy. Qua đó, nâng cao hiệu quả cai nghiện tại cơ sở.