Ngăn chặn tác hại của bóng cười

17:44, 24/07/2019

Theo thực tế hiện nay các quy định pháp luật, chế tài xử lý đối với vi phạm của cơ sở kinh doanh bóng cười là chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính mà chưa xử lý hình sự. Ngoài ra, khí cười N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Do đó, trong công tác xử lý trực tiếp các cơ sở vi phạm, lực lượng chức năng cũng đã gặp không ít khó khăn.

 

Theo các cơ quan chức năng hiện nay “bóng cười” chủ yếu xuất hiện tại những cơ sở nhà hàng, quán bar, quán karaoke. “Bóng cười” thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide). Khi hít khí sẽ có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng N2Ocó thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo tác hại và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O; nhất trí với đề nghị của UBND Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh.

Tuy nhiên, N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018 mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm. Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan chức năng.

Đưa ra những lý giải về những hạn chế trong công tác xử lý, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, N2O được bơm vào bóng cười là chất nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải hàng cấm. Do đó, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh mặt hàng này với 2 lỗi là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế…

Chế tài xử lý đối với mỗi quả bóng khác rất nhiều so với khi thu giữ cả bình khí N2O, và đây cũng là cách thức của nhiều cơ sở nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc phát hiện vi phạm đối với cơ sở đã khó, trong khi lại không có chế tài đối với người sử dụng. Nhiều trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra, khách vẫn ngang nhiên thổi, hút bóng cười.

Mặc dù N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất nhưng trước tình hình giới trẻ sử dụng “bóng cười” gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng (nhất là sử dụng đồng thời với ma túy tổng hợp, chất hướng thần, như vụ việc xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội khiến 7 người chết), Bộ Công an cho biết đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Trong đó, Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và các sự kiện, lễ hội.

Đồng thời, phối hợp với các bộ liên quan siết chặt trong nhập khẩu và bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh khí N2O trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các mặt hàng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngăn chặn thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không bán “bóng cười” vào mục đích sử dụng cho con người…

Bộ Công an cho hay, sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng “bóng cười” và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này (hiện nay chưa có quốc gia nào đưa “bóng cười” vào danh mục chất ma túy).