Đến thời điểm này, toàn huyện Phú Bình đã tổ chức và thực hiện cai nghiện ma túy cho 196 đối tượng, vượt gần 300% chỉ tiêu kế hoạch năm 2019. Đạt được kết quả này chính là nhờ hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng, chống ma túy trong cộng đồng dân cư được huyện đẩy mạnh trong thời gian qua.
Toàn huyện Phú Bình hiện có 488 đối tượng nghiện ma túy trong diện có hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều biện pháp quản lý, phòng chống tích cực để gia đình, xã hội và bản thân người nghiện nhận thức được những nguy hại từ nghiện ma túy gây ra, từ đó có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Đức Giang, Phó Trường phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác phòng chống ma túy, nhất là phát hiện và quản lý đối tượng nghiện rất cần đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục pháp luật. Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo huyện, xã phải như một chuyên gia tư vấn, một nhà truyền thông hiểu sâu, biết rộng về những tác hại của tệ nạn ma túy đối với cuộc sống cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã tổ chức được 5 buổi tuyên truyền tại khu dân cư ở các xã với trên 300 người tham dự và dự kiến tiếp tục thực hiện thêm từ 6-7 buổi nữa vào dịp cuối năm. Về phương pháp tuyên truyền, chúng tôi lựa chọn cụm dân cư là địa bàn “nóng”, phức tạp và có nhiều nguy cơ. Còn đối tượng tuyên truyền là người có uy tín trong khu dân cư, tiếp đến là phụ nữ và thanh niên. Để tổ chức tốt các buổi tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đóng vai trò nòng cốt vừa vận động, vừa nắm bắt tình hình và theo dõi để “thức tỉnh” các đối tượng có biểu hiện sử dụng hoặc nguy cơ tiếp cận với ma túy. Chưa năm nào huyện Phú Bình lại có đến 41 người nghiện ma túy tự nguyện đến đăng ký xin được đi cai nghiện như năm nay, trong đó có 3 người từ địa phương khác đến xin đăng ký cai nghiện. Đặc biệt, hoạt động cai nghiện luôn có sự tham gia giám sát, hỗ trợ của gia đình, người thân những người nghiện. Điều đó cho thấy trách nhiệm của gia đình, xã hội về phòng chống ma túy đã được nâng lên.
Chị Dương Thị Ngà, xã Nga My cho biết: “Trước đây chồng tôi cũng từng đi cai nghiện, nhưng tự đi nên không kiểm soát được, đã sử dụng ma túy cùng đám bạn nghiện, dẫn đến tái nghiện. Nay hai vợ chồng thống nhất cùng đi để tôi hỗ trợ chồng uống thuốc và cùng về, rồi đến xưởng mộc làm thuê. Giờ thì anh ấy đã không còn biểu hiện vật vã thèm ma túy, sức khỏe ổn định, gia đình hòa thuận lại có thu nhập đều đều hằng tháng, nên cuộc sống bớt khó khăn. Tôi nghĩ gia đình, người thân phải luôn đồng hành và cảm thông thì mới cai nghiện hiệu quả”.
Còn đồng chí Nguyễn Ích Yên, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Phú Bình chia sẻ: “Trong hoạt động xét xử và làm hồ sơ liên quan đến vi phạm về ma túy, chúng tôi đều đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Hai năm trở lại đây (2018-2019), Tòa án huyện đã tổ chức nhiều hoạt động xét xử án về ma túy lưu động. Mỗi năm từ 20-40% vụ án về ma túy được đưa về các khu dân cư, các “điểm nóng” để xét xử. Chính từ những hoạt động này đã góp phần tác động đến việc tự nguyện đăng ký cai nghiện. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, xử lý hồ sơ làm thủ tục cho người nghiện đi cai khép kín góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy của huyện”.
Có thể thấy công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy của huyện Phú Bình đang được cụ thể hóa bằng các hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng đã phát huy tốt hiệu quả. Nếu như gia đình tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tốt công tác quản lý sau cai nghiện chắc chắn hoạt động tự nguyện cai nghiện sẽ được nhân rộng và hướng đến cai nghiện tại gia đình.