Trong 2 ngày (29-30/10), tại TP Cần Thơ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS”.
Hội thảo nhằm cung cấp cho các đại biểu thông tin cơ bản về nội dung 2 dự án Luật nêu trên, từ đó các đại biểu sẽ tham luận, đóng góp ý kiến. Những ý kiến, góp ý sẽ làm cơ sở quan trọng để giúp Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội có thêm thông tin để tiến tới hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau đối với một số vấn đề trong dự thảo Luật cần tham vấn ý kiến như: Độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; nguồn lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS...
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi cần tập trung vào một số nội dung như: Xác định tình trạng nghiện ma túy; cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy và nguồn lực trong tổ chức cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, ông Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau đối với một số vấn đề trong dự thảo Luật. Vì vậy, cần tham vấn thêm ý kiến, góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật như: Độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm; kinh phí xét nghiệm tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và nguồn lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua.
"Trên cơ sở các ý kiến đóng góp chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu dự án Luật trình Quốc hội. Thứ hai đối với Luật phòng chống ma túy sửa đổi, các chuyên gia sẽ cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Mong đại biểu đóng góp thẳng thắn để chúng tôi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện", ông Phong nhấn mạnh
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội thảo đã tập trung đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Phó Giám đốc Trung Tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An Nguyễn Ngọc Linh đề nghị, cần điều chỉnh, bổ sung quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV; quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ; quy định chỉ cơ sở xét nghiệm HIV được Bộ trưởng Bộ Y tế công nhận mới được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính; quy định về áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị AIDS giai đoạn cuối...
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về một số vấn đề liên quan đến Luật phòng, chống ma túy sửa đổi và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.