Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) - dùng thuốc kháng virus để bảo vệ người có nguy cơ cao khỏi nhiễm HIV - đang là một cuộc cách mạng hóa trong phòng chống HIV trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn cầu do Đại học Monash ở Úc với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng những người đang tìm kiếm PrEP để ngăn ngừa HIV cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs). Và, các dịch vụ PrEP có thể là nơi lý tưởng để kiểm tra, phòng ngừa và điều trị cả HIV và các STI.
Các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá về tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ mắc STI ở những người sử dụng PrEP cho phòng chống HIV trên toàn cầu. Đánh giá được công bố trên JAMA Network Open, nhấn mạnh hiện vẫn còn hạn chế trong tập trung và đầu tư vào quản lý STI trong các chương trình HIV. Tổng quan cho thấy rằng khoảng một phần tư (24%) người khởi đầu PrEP được chẩn đoán mắc bệnh chlamydia, lậu hoặc giang mai trước khi họ bắt đầu dùng PrEP. Gần ba phần tư (72%) những người tiếp tục sử dụng PrEP được chẩn đoán mắc bệnh chlamydia, lậu hoặc giang mai trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu PrEP.
Đánh giá nhấn mạnh rằng các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc HIV cao như: Không sử dụng bao cao su hoặc ít sử dụng bao cao su, có nhiều bạn tình… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc STI khác.
Tiến sĩ Rachel Baggaley (Phòng HIV, Viêm gan và Nhiễm trùng qua đường tình dục của WHO), đồng tác giả của bài báo cho biết, hầu hết các STI có thể chữa được nhưng đang bị bỏ qua đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Các dịch vụ PrEP có thể giúp ngăn ngừa không chỉ HIV mà cả STI và chúng ta nên tận dụng cơ hội này.
Các nhà khoa học cho biết, PrEP không chỉ là tiềm năng trở thành một trong những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và quan trọng nhất để ngăn ngừa nhiễm HIV mà còn cung cấp một cơ hội để cải thiện sức khỏe tình dục của những cá nhân và dân số có nguy cơ cao mắc cả HIV và STI.
PrEP, liên quan đến những người âm tính với HIV có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn mức trung bình, chẳng hạn như nam quan hệ tình dục đồng giới, những người tiêm chích ma túy, được Chính phủ Úc trợ cấp thông qua Chương trình Phúc lợi Dược phẩm Quốc gia (PBS).
Từ năm 2015, WHO đã khuyến nghị PrEP cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Mặc dù hầu hết kinh nghiệm thực hiện PrEP là ở các nước thu nhập cao, các dịch vụ PrEP hiện đang được phát triển cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Đến nay, hơn 60 quốc gia trên toàn cầu đưa PrEP vào chính sách quốc gia, bao gồm 20 quốc gia ở Châu Phi.
PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng vi rút là TENOFOVIR DISOPROXIL FUMARATE (TDF) 300mg và EMTRICITABINE (FTC) 200mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên.