Chứng kiến sự ra đi của người bạn, người yêu, ông Carl Fox đã từng rất tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ điều trị, Fox vẫn sống khỏe sau 35 nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Người trở về từ cõi chết
Ông Carl Fox (62 tuổi, ở Bắc Kentucky, Mỹ) nhớ lại cuốn sổ cũ. Đó là tài liệu mà ông từng rất trân quý, ghi tên những người bạn đã mất vì nhiễm HIV. Ông cũng là bệnh nhân nhiễm virus này.
"Vào những năm 80, điều đó thật khủng khiếp. Giai đoạn cao điểm, tôi dự 3 đám tang trong một tuần và không thể quên được điều đó. Tôi ghi chép lại danh sách những người quá cố vì muốn ghi nhớ tên của họ. Tất cả đều là bạn bè của tôi", người đàn ông Mỹ chia sẻ.
Carl Fox từng nghĩ cuốn sổ này nhiều nhất có 40, 50 cái tên. Nhưng đến năm 1994, danh sách lên tới 204 người. Ông buộc phải dừng lại. “Tôi biết nếu tiếp tục, nó sẽ giết tôi từ bên trong. Vì vậy, tôi quyết định xé đi nó. Nhưng xé bỏ nó không thể khiến tôi quên đi những cái tên", ông Carl Fox nói.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), từ năm 1981 đến 1987, quốc gia này có 50.280 người chẩn đoán mắc AIDS. 47.993 trường hợp trong số đó tử vong, chiếm 95,5%. Dữ liệu của CDC cũng xác định số người được chẩn đoán mắc AIDS đạt đỉnh điểm vào những năm 1990, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến 1995, căn bệnh này vẫn khiến 340.260 trường hợp tử vong.
Rất nhiều người trong số đó là bạn của Carl Fox. Cái tên đầu tiên trong cuốn sổ ghi chép của Fox là Steven. Trước khi chết, bệnh nhân mong được gặp mẹ lần cuối. Nhưng Steven nói với Fox điều đó là không thể. Cả Steven và Fox đều là người đồng tính. Trước khi nhắm mắt, Steven không được mẹ chấp nhận điều này.
Cái chết của bạn khiến Fox buồn bã. Sau đó, ông phải chứng kiến nhiều sự ra đi khác, trong đó có bạn đời của mình là Greg Landrum. Greg qua đời vào năm 1992 khi mới 44 tuổi. Greg đã từ chối xét nghiệm HIV vì không nghĩ mình đã nhiễm loại virus đó, ông tự khẳng định mình chỉ nhiễm trùng xoang thông thường. Đến khi phải nhập viện vì sức khỏe quá yếu thì Greg đã bị AIDS giai đoạn cuối.
Chứng kiến sự ra đi của người bạn, người yêu, Carl Fox vô cùng tuyệt vọng. Thời điểm đó, bác sĩ chẩn đoán ông chỉ còn khoảng 2 năm để sống. Họ khuyên Fox nên chuẩn bị lời từ biệt cuộc sống, làm nốt những việc còn dang dở. Ban đầu, ông rất sợ hãi và nói điều đó cho cha mẹ. Nhưng mỗi ngày trôi qua, sức khỏe của Fox không có gì nghiêm trọng. Sáu tháng sau, ông quyết định mình sẽ sống bằng bất cứ giá nào.
Vài năm sau khi phát hiện bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, hệ miễn dịch của Fox bắt đầu có những dấu hiệu suy giảm. Fox thường xuyên xét nghiệm máu. Nó báo động tế bào miễn dịch T giảm dần. Thông thường, ở người khỏe mạnh, số lượng tế bào T là 500-1.600 trên mỗi milimet khối máu. Trong cơ thể của Fox, con số này chỉ rơi vào khoảng 250 và có xu hướng giảm.
Sau đó, bạn đời hiện tại của Fox - Terry Bond - khuyên ông tìm đến các loại thuốc được kê cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Hành động này đã cứu mạng Fox. Tuy nhiên vào năm 2005, Fox nhiễm virus viêm gan C. Sức khỏe yếu khiến ông bị ngất đi, ngã ra sàn. Cú ngã khiến Fox bị liệt, không thể nói chuyện. Bác sĩ cho biết ông bị chảy máu não và suýt chết. Fox phải tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường. Sau khi thoát chết, ông tham gia vào thử nghiệm lâm sàng phương pháp chữa khỏi bệnh viêm gan C. Giây phút cận kề cái chết cũng khiến ông không ngại ngần tham gia vào dự án thử nghiệm của các chuyên gia về HIV/AIDS.
Sẵn sàng đóng góp cho các dự án nghiên cứu
Giáo sư, tiến sĩ Carl Fichtenbaum, Đại học Cincinnati College of Medicine, Mỹ, là chuyên gia nghiên cứu ca bệnh đặc biệt này. Ông cũng là nhà khoa học tiên phong tìm cách lý giải bí ẩn "giấu" trong tế bào bạch cầu của bệnh nhân nhiễm HIV.
"Nghiên cứu chúng tôi đang thực hiện dựa trên việc lấy các tế bào bạch cầu chứa thụ thể của bệnh nhân HIV, đưa nó vào phòng thí nghiệm. Sau đó, thụ thể được loại bỏ thông qua kỹ thuật di truyền và truyền ngược lại vào tế bào người. Chúng tôi hy vọng nếu điều này làm thường xuyên, cơ thể bệnh nhân nhiễm HIV sẽ 'thay máu' đủ các tế bào, giúp kiểm soát virus, ngay cả khi không cần dùng thuốc", TS. Fichtenbaum tiết lộ về dự án.
Carl Fox là một trong 30 bệnh nhân trong nghiên cứu trên. Dự án do các nhà khoa học tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland và Đại học California-San Francisco hợp tác. Fox cũng là một trong số 600 bệnh nhân tại UC Health đã sống chung với HIV nhiều thập kỷ.
"Chúng tôi rất may mắn khi có những người như Carl Fox. Họ sẵn sàng giúp đỡ và đóng góp cho nghiên cứu. Một lời cảm ơn dành cho họ là không đủ", TS Fichtenbaum chia sẻ thêm.
Để tìm hiểu nguyên nhân người mắc HIV/AIDS phát triển bệnh chậm, các nhà khoa học cần đến máu của họ. Từ tháng 1/2020, Fox thường xuyên đến truyền máu, cung cấp cho dự án. Vài tuần sau, ông quay trở lại viện để sinh thiết hạch bạch huyết và làm một số xét nghiệm cần thiết. Nghiên cứu không yêu cầu sinh thiết, nhưng Fox tình nguyện thực hiện để cung cấp cho các chuyên gia thông tin bổ sung về cách thức HIV ẩn náu trong các mô tế bào.
Trước đó, theo kế hoạch, Fox sẽ đến Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinati vào tháng 4 để truyền thuốc hóa trị trong 10 giờ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến. Ngày 7/12/2020, bệnh nhân mới tiêm hóa trị và lấy tế bào máu vào 3 ngày sau đó.
Trong số 30 tình nguyện viên tham gia dự án, 2/3 sẽ được chỉnh sửa gene của tế bào máu. Những người khác đóng vai trò là nhóm kiểm soát. Họ sẽ được truyền lại các tế bào không thay đổi ngược vào cơ thể.
Mặc dù chưa biết các dự án nghiên cứu sẽ có kết quả thế nào, nhưng Carl Fox vẫn luôn nuôi hy vọng sẽ được chữa khỏi bệnh sau 35 năm mắc bệnh. Hiện sức khỏe ông vẫn ổn định, ông vẫn luôn nghĩ rằng mình rất may mắn khi bị tử thần bỏ quên. Hiện tại ông rất lạc quan và sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ các dự án nghiên cứu nhằm tìm ra loại thuốc có thể chữa được căn bệnh thế kỷ này