Mặc dù phải đương đầu với đại dịch COVID-19, trong năm 2020 dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (Dự án VUSTA) vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Nhờ dự án, hơn 63.600 khách hàng đã được cung cấp dịch vụ dự phòng HIV, đạt 103,3% chỉ tiêu cam kết đã đề ra.
Phát hiện 1.900 người nhiễm mới HIV
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2020, cả nước phát hiện khoảng 13.000 người mới nhiễm HIV, tăng 3.000 so với năm 2019. Hiện, toàn quốc có khoảng 152.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) triển khai tại 26 tỉnh, thành phố với 16.800 người tham gia. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đang điều trị cho 52.000 khách hàng. Ngành Y tế cũng đã thực hiện đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân và thi điểm điều trị Buprenorphine cho hơn 2.000 bệnh nhân tại 8 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nguồn kinh phí viện trợ đang cắt giảm nhanh, trong khi Việt Nam phải nỗ lực phòng chống và kiểm soát đại dịch COVID-19 và các nguồn tài chính trong nước như ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế chưa kịp bù đắp, gây ra thiếu hụt tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai dự án giúp cho nhiều người nhiễm mới HIV được phát hiện trong cộng đồng và tiếp cận điều trị sớm thuốc kháng ARV. Cụ thể, trong năm 2020, dự án đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho 63.602 khách hàng (103,3% chỉ tiêu cam kết), xét nghiệm HIV cho 54.316 khách hàng (85,4% số tiếp cận), phát hiện 1.900 người nhiễm HIV (3,5%) và chuyển gửi 1.891 người (99,6%) đến các cơ sở điều trị ARV.
Ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Dự án VUSTA cho biết, có được các kết quả chuyển gửi thành công như trên là nhờ các tiếp cận viên trong cộng đồng thực hiện tốt khâu tư vấn, đặc biệt tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV đã tác động tích cực tới tâm lý của người nhiễm HIV; chính sách của Bộ Y tế cho điều trị ARV ngay trong ngày không kể mức tải lượng virus và những cải thiện trong chính sách và thủ tục để điều trị.
Trong năm 2020, dự án có 89 các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) với 948 tiếp cận viên đồng đẳng cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao tại 15 tỉnh, thành phố. Các CBO đã phát 9 triệu bơm kim tiêm, 1,7 triệu lọ nước cất, 9 triệu bao cao su và 2,3 triệu gói chất bôi trơn cho các khách hàng.
Do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động cung cấp vật phẩm cho khách hàng gặp khó khăn, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội (tháng 3-4/2020) trên toàn quốc hoặc tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Dương và TP.HCM… Để khắc phục khó khăn, các tiếp cận viên được hướng dẫn tăng số lượng phát trong mỗi lần tiếp cận, nhằm bảo đảm khách hàng có vật phẩm để sử dụng trong bối cảnh dịch.
Nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, dự án đã đề xuất và được Quỹ Toàn cầu tài trợ, bổ sung 303.949 USD.
Ngoài chương trình can thiệp giảm hại, dự án chú trọng công tác truyền thông thay đổi hành vi. Cụ thể, dự án đã tổ chức được 1.426 buổi truyền thông và tư vấn nhóm cho 37.264 lượt khách hàng. Nội dung truyền thông tập trung vào dự phòng HIV/AIDS, lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị sớm ARV, các lợi ích điều trị Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và sau phơi nhiễm (PEP), các chủ đề về bảo hiểm y tế, viêm gan B, C, xử trí sốc thuốc và những kiến thức mới như K=K, phòng chống ma túy tổng hợp (ATS), tư vấn bạn tình/bạn chích chung cũng được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ, truyền thông nhóm nhỏ để bảo đảm cập nhật những kiến thức mới tới cho khách hàng.
Dự án cũng đã chú trọng các hoạt động vận động chính sách, tạo môi trường thuận lợi về pháp lý và thực thi chính sách. Thực hiện 2.420 cuộc tư vấn pháp luật qua đường dây nóng cho khách hàng. Tổ chức 25 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động và trợ giúp trực tiếp cho 10 cá nhân…
Tiếp tục khẳng định vai trò trong phòng, chống HIV/AIDS
Với 10 năm kinh nghiệm, Dự án VUSTA đã được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét phê duyệt giai đoạn 2021-2023. Đây là cơ hội để các tổ chức xã hội tiếp tục tham gia và khẳng định vị thế, vai trò của mình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ông Phạm Nguyên Hà cho biết, trong năm 2021, Dự án VUSTA sẽ triển khai dự án giai đoạn mới đã được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét cũng như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt với mục tiêu, cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho 16.000 người tiêm chích ma túy, 26.172 nam quan hệ tình dục đồng giới, 5.950 phụ nữ bán dâm và 1.500 người chuyển giới nữ, tại 15 tỉnh/thành phố.
Dự án sẽ triển khai 3 mô hình gồm: Mô hình truyền thống; mô hình đánh giá dịch tễ học HIV và ứng phó dựa vào cộng đồng (CHEER/RDS); đa dạng hóa dịch vụ, can thiệp dựa trên bằng chứng, trao quyền, tạo chủ động cho các tổ chức dựa vào cộng đồng và chi trả theo hiệu suất công việc (DEEP).
Được triển khai từ năm 2018, mô hình DEEP của Trung tâm LIFE phát huy vai trò chủ động của các CBO để cung cấp đa dạng dịch vụ cho khách hàng như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị ARV, Methadone, STI, PrEP và ma túy tổng hợp. Trong khuôn khổ của Dự án VUSTA và Dự án USAID, LIFE và các CB ở các tỉnh phía Nam, mỗi năm tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho hàng chục nghìn khách hàng, xét nghiệm và phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới, đóng góp từ 40 - 60% số ca nhiễm HIV mới của địa phương, kết nối 98% người nhiễm HIV vào điều trị ARV.
Việc xác định các gói dịch vụ và các dịch vụ y tế cần thiết cho khách hàng sẽ được đổi mới thông qua tiên hành phương pháp chọn mẫu dây truyền có kiểm soát (Respondent Driven Sampling - RDS) để sàng lọc và tuyển chọn khách hàng từ đó giúp đánh giá nguy cơ, tình hình dịch HIV và xác định sơ đồ HIV đa bậc. Dựa trên kết quả của RDS, các tiếp cận viên đồng đẳng của các CBO sẽ cung cấp các gói dịch vụ dự phòng HIV cho khách hàng hoặc chuyển gửi xét nghiệm HIV, điều trị ARV, Methadone và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực cho các tổ chức dựa vào cộng đồng để có thể ứng phó linh hoạt và bền vững với dịch HIV/AIDS. Các tiếp cận viên của dự án được nâng cao năng lực về xét nghiệm HIV không chuyên, kỹ năng tư vấn và chuyển gửi khách hàng đi xét nghiệm HIV, điều trị ARV, Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Dự án hỗ trợ các sáng kiến về can thiệp và cung cấp dịch vụ cho các CBO và các mạng lưới cộng đồng.
Tham gia với các cơ quan chủ quản để hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận của khách hàng đến các dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.
Tiếp tục duy trì tư vấn pháp luật miễn phí qua đường dây nóng cho khách hàng; phổ biến các chính sách có liên quan đến HIV/AIDS; các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực có liên quan giới…nhằm chung tay ứng phó hiệu quả dịch HIV/AIDS.