Tại Eswatini, quốc gia ở miền nam châu Phi, nhiều người nhiễm HIV do lo ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị đã sống một cuốc sống bí mật và kết thúc cuộc đời trong nỗi xấu hổ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng gọi Eswatini là "tâm chấn của đại dịch HIV/AIDS toàn cầu". Trong ký ức của bà Thembi Nkambule, giáo viên sống ở Eswatini, thì nhiều người nhiễm HIV đã chết trong những nỗi cô đơn, không được chia sẻ.
Là người nhiễm HIV nhiều năm, bà Eswatini lần đầu tiên nghe nói đến HIV từ giữa những năm 90, khi Thembi là một người mẹ trẻ đang theo học cử nhân khoa học nhân văn tại Đại học Swaziland. Lúc đó, người dân cả nước được hô hào, khuyến khích đi hiến máu. Bạn bè của bà Thembi cũng đi hiến máu, nhưng vài tuần sau, họ đều bỏ học và không bao giờ trở lại nữa.
"Có tin đồn rằng máu của họ bị nhiễm một căn bệnh chết người. Chính phủ và các cơ quan chức năng không xác nhận điều gì, nhưng theo lời đồn nếu mắc bệnh đó thì không còn hy vọng nào nữa, chỉ có chết thôi", bà Thembi Nkambule kể lại.
Vài năm sau, Thembi được nghe nhiều hơn về HIV khi làm giáo viên tại một trường trung học. Vào thời điểm đó, HIV đã lây sang nhiều người trên cả nước, trong đó có các giáo viên, bạn bè của bà. Đáng lo ngại hơn cả, học sinh của bà cũng bị ảnh hưởng.
Bà biết khi nào có người mắc bệnh vì họ đột nhiên biến mất. Họ tự nhốt mình, tránh xa ánh mắt của mọi người. Nhiều tuần sau, bà thấy cáo phó của họ được đăng trên mặt báo, nhưng căn bệnh không bao giờ được nhắc tới.
Đầu những năm 2000, HIV được đưa tin trên báo chí và thảo luận rộng rãi trên đài phát thanh. Bà Thembi đến thư viện để tìm hiểu về virus đang giết chết nhiều người. Bà nhận ra rằng trên thế giới này, HIV luôn đi kèm với sự kỳ thị. HIV có thể lây truyền qua đường tình dục, nhưng một số mục sư cho rằng chỉ những người đạo đức kém, có hành vi tình dục đồi trụy mới bị lây nhiễm. Về quan điểm này, bà Thembi không đồng tình, bản thân bà đã chứng kiến một người phụ nữ cả đời chỉ thân mật với chồng nhưng đã mất vì HIV/AIDS.
Thay vì trốn tránh những bệnh nhân đang bị gia đình và bạn bè xa lánh, bà Thembi đã cố gắng đến nhà và kết bạn với họ. Năm 2002, bà Thembi ho dữ dội. Lúc đầu, bà nghĩ mình bị cảm lạnh. Tuy nhiên, cơn ho vẫn dai dẳng khiến bà chợt nhận ra có thể bà đã nhiễm HIV.
Bà Thembi đi kiểm tra, kết quả dương tính và bà đã sống trong sợ hãi. Vào thời điểm đó, chi phí hàng tháng cho thuốc kháng virus HIV là 50 USD, tương đương với phần lớn thu nhập của gia đình Thembi.
Vì phải sắp xếp quá nhiều việc, bà Thembi cho người thân biết bà nhiễm HIV. "Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra, tôi cần sự hỗ trợ từ những người mà tôi yêu thương. Nếu tôi xấu hổ và âm thầm trốn đi, rồi tôi cũng sẽ chết", bà nói.
Kể từ khi được chẩn đoán, bà Thembi tìm hiểu một chương trình tên là Những người sống chung với HIV, với mục đích hướng dẫn người nhiễm virus vượt qua căn bệnh này. Năm 2002, bà Thembi tham gia khi còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ vài năm sau, bà trở thành Giám đốc quốc gia của chương trình này. Trải nghiệm sống của bà về HIV đã giúp mọi người mở lòng với bà.
Bà Thembi từng chứng kiến những câu chuyện thương tâm nhất của những người nhiễm HIV. Sau đám tang của người chồng, một góa phụ đã phát hiện tờ kết quả dương tính của anh ta được giấu trong ngăn kéo dưới giường. Hoặc có những người đã vĩnh viễn rời xa người thân, bỏ lại những đứa con gái đang chập chững biết đi. Có những cậu trai xấu hổ, hỏi bà Thembi rằng liệu họ có được tha thứ ở thế giới bên kia hay không. Hàng trăm người đã ra đi lặng lẽ như vậy.
Nhiều người đau khổ đã khẩn cầu bà Thembi tới cạnh họ trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bà Thembi nói: "Ngay lúc đó, tôi có thể thấy họ mong muốn gì ở tôi mà không cần cất lời. Có người mong một cái ôm. Có người lại không muốn động chạm, chỉ muốn có người ở bên thôi. Tôi đối xử với mỗi người như một cá nhân riêng biệt. Tôi trao cho họ lòng tự trọng".
Trong suốt trải nghiệm của mình, bà Thembi thấy người ta chết theo 3 cách. Cách đầu tiên là khi người đang hấp hối nhìn bà bằng đôi mắt trống rỗng, một cái chết tồi tệ. Trong trường hợp thứ hai, người bệnh để lại thông điệp hoặc lời cảnh báo cho những người còn sống. Hình thức thứ ba là một cái chết thanh thản.
Người sắp mất biết rằng mình phải rời xa gia đình, mọi chuyện đã được sắp xếp và xung đột cũng đã được giải quyết. Đây là cái chết đẹp nhất. Bà muốn các bệnh nhân có một cái chết thanh thản như thế.
"Năm 2021, tại Eswatini, số người nhiễm HIV hoặc chết vì AIDS thấp hơn nhiều so với thời điểm tôi được chẩn đoán. Thế nhưng, do COVID-19, từ những số liệu thực tế, HIV có nguy cơ sẽ gia tăng trở lại", bà Thembi nói.
Giám đốc đại diện tại Eswatini của tổ chức UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) Rose Craigue cho biết, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc sự gián đoạn các chương trình chăm sóc sức khỏe ở các nước thu nhập thấp, bao gồm cả cung cấp các biện pháp tránh thai, có khả năng dẫn đến 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, vấn nạn bạo lực giới, cưỡng hiếp cũng sẽ gia tăng.
Trước đại dịch COVID-19, Eswatini đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong việc phòng ngừa và điều trị. Người dân không còn phải trả 50 USD một tháng để mua thuốc mà chỉ phải bỏ ra không tới 1 USD. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đáng lo ngại hơn cả, hơn một nửa dân số dưới 20 tuổi và gần một nửa thanh thiếu niên có nguy cơ lây nhiễm HIV đặc biệt cao.
UNAIDS cho biết, vào năm 2020, thanh niên 15-24 tuổi chiếm 42% số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu và gần 80% (4 triệu người) trong số đó sống ở vùng cận Sahara, châu Phi.
Đối với bà Thembi, tất cả những người đang nhiễm HIV đều cần được yêu thương, chia sẻ, để họ tự tin tiếp cận điều trị ARV và sống có ích cho xã hội.