Nhờ có tình yêu thương, chia sẻ mà cộng đồng những người H đã tự tin, vượt qua chính bản thân mình để đi tìm hạnh phúc. Và với sự tiến bộ của y học, HIV/AIDS giờ chỉ là căn bệnh mãn tính có lây. Hạnh phúc luôn mở cửa, đón chờ những mảnh đời biết vươn lên trong cuộc sống.
Tình yêu giúp vượt qua thử thách
Chia sẻ với Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), câu chuyện của anh Đạt và chị Vy đã gây xúc động với hành trình đi tìm hạnh phúc của gia đình mình. Họ đã cùng vượt lên rào cản, sự kì thị bởi chị Vy là người có H (người bị nhiễm HIV-pv). Họ cũng đã cùng nhau tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện để giúp đõ những người có H cùng vượt qua khó khăn.
10 năm, đó là chặng đường mà gia đình anh Đạt và chị Vy đã trải qua. Trước khi đến với nhau, bản thân chị Vy (sinh sống tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đã bị mắc HIV, từng có một quá khứ “chơi bời” với người chồng cũ đã mất vì AIDS. Khi gặp anh Đạt, chị đã chia sẻ về quá khứ của mình và khao khát muốn có một cuộc sống mới, chữa lành những “vết sẹo” đã qua. Sau khi nghe những lời bộc bạch của chị, anh Đạt đã bỏ đi vì không chấp nhận quá khứ ấy. Tuy nhiên, sau 2 tháng, anh đã quay trở lại đón nhận chị bởi anh yêu thương chị, muốn cùng chị xây dựng hạnh phúc gia đình.
Trong suốt 10 năm, chị và anh không ít lần phải đối diện với những thăng trầm trong tình yêu. Anh chị đã vượt qua những ánh mắt kỳ thị của xã hội, anh đồng hành cùng chị để chị tích cực điều trị bằng thuốc kháng virus ARV (một người có H điều trị bằng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ) và giờ đây anh chị đang có một cuộc sống hạnh phúc.
Tình yêu với chị Vy là bến đỗ của lòng tin trong một mối quan hệ. Với chị, anh Đạt không chỉ là người yêu, người thân, mà còn là người bạn sát cánh bên chị qua những gian khó. Và thuốc ARV đã giúp chị kéo dài cuộc sống đến sau này.
Trong những ngày TPHCM giãn cách vì dịch COVID-19, chị Vy và anh Đạt tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Chị là một trong những thành viên nòng cốt trong Hội Phụ nữ của phường, vừa đi cấp thuốc ARV điều trị cho người có H, vừa là người vận chuyển lương thực đến những hộ gia đình khó khăn.
ARV - viên thuốc cứu sống những mảnh đời người có H
Bác sĩ Võ Hữu Phước, Trung tâm Y tế quận Bình Tân, TPHCM chia sẻ, nếu đầu những năm 2000, người bị nhiễm HIV/AIDS chỉ được tư vấn và xét nghiệm, rồi chuyển lên tuyến trên điều trị thì ngày nay, ARV khiến HIV không còn là căn bệnh nguy hiểm nữa, nó chỉ là căn bệnh mãn tính có lây và cần phải uống thuốc mỗi ngày.
Bác sĩ Phước cho biết thêm, giai đoạn 2001-2006, truyền thông đã bắt đầu tập trung cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Cộng đồng đã được trang bị kiến thức về các con đường lây nhiễm HIV, các biện pháp phòng ngừa và áp dụng phác đồ điều trị HIV bằng thuốc ARV.
Tuy nhiên, tại quận Bình Tân và một số phòng khám địa phương chưa được triển khai thuốc ARV. Do đó, trung tâm tham vấn nơi bác sĩ Phước từng làm việc gặp hạn chế nhất định trong tiếp cận thuốc và khó đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, nhóm người sống chung với H đến từ rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thời gian đầu, HIV/AIDS tại Việt Nam xuất hiện chủ yếu ở đối tượng tiêm chích ma túy và mại dâm. Sau này, các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm H dần chuyển sang nhóm quan hệ tình dục không an toàn và nam quan hệ đồng giới (MSM). Điểm chung của người có H là tâm lý e dè, mặc cảm, tự kỳ thị và sợ bị kỳ thị, ngại di chuyển đến nơi khám chữa bệnh vì lo ngại bị lộ tình trạng sức khỏe. Vì thế, người bị H đã từ bỏ cơ hội để hỗ trợ y tế và điều trị sức khỏe sau này.
Năm 2006, Khoa Tham vấn - Hỗ trợ cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Bình Tân (hiện nay là Trung tâm Y tế quận Bình Tân) tiếp nhận viên thuốc ARV đầu tiên, đồng thời triển khai lứa bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV ngay tại địa phương. Thuốc ARV lúc này được đồng loạt đưa vào điều trị cho cộng đồng tại các quận huyện khác nhờ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.
Nhờ có ARV, người có H không có nguy cơ lây truyền virus HIV qua đường tình dục. Họ uống ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt được và duy trì tải lượng virus HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu, nghĩa là nếu trong máu người nhiễm HIV có tải lượng virus HIV dưới 200 bản sao/ml máu thì sẽ không lây truyền HIV cho người khác). Bởi vậy, điều trị bằng thuốc ARV là điều vô cùng quan trọng để tránh lây nhiễm virus sang một bạn tình âm tính với H. Thuốc ARV cũng được dùng cho người chưa mang virus để phòng ngừa lây nhiễm H, hay còn gọi là chương trình PrEP dự phòng trước phơi nhiễm.
“Trước đây khi kiến thức về phòng chống HIV chưa thực sự phổ biến, nhiều người lo ngại khi sinh con sẽ lây HIV từ mẹ sang con. Thậm chí có nhiều phụ nữ còn được khuyên nên chấm dứt thai kỳ. Nhưng thực tế, nếu tuân thủ uống thuốc điều trị HIV đều đặn thì họ vẫn có thể sinh con bình thường. Tôi rất vui khi nhiều bệnh nhân nữ từng được mình điều trị giờ đã lập gia đình và sinh con khỏe mạnh không nhiễm H”, bác sĩ Vũ Đức Khôi - bác sĩ điều trị HIV/AIDS của Khoa Tham vấn- Hỗ trợ cộng đồng tại Quận 4, TPHCM chia sẻ.
Sau nhiều năm đổi mới công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và những tiến bộ y học, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đã từng bước được nâng lên; dần dần xóa bỏ kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, người bị nhiễm HIV/AIDS không bị coi là người mắc tệ nạn xã hội…
Sự cởi mở, không giấu diếm tình trạng nhiễm HIV, sự giúp đỡ từ người thân, gia đình… đã giúp người mắc HIV tự tin, vượt lên chính mình, có cơ hội tiếp xúc các cơ sở và dịch vụ y tế; đồng thời giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được tình hình dịch HIV/AIDS. Hằng năm, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV được tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV tăng… Nhiều gương người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội, tìm được hạnh phúc gia đình giống như trường hợp của chị Vy, anh Đạt ở câu chuyện trên.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sau hơn 20 năm triển khai các hoạt động phòng chống và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc, Việt Nam hiện có 1.345 phòng xét nghiệm sàng lọc, 201 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính; hơn 161.000 bệnh nhân đang điều trị ARV; 32.000 người sử dụng thuốc dự phòng PrEP đều đặn; các phác đồ điều trị liên tục được cập nhật và thuốc mới được cấp phép.