Đồng đẳng viên góp phần giảm lây nhiễm HIV

08:56, 21/02/2022

Sau 10 năm hoạt động, nhóm đã tiếp xúc, giúp đỡ hàng chục nghìn người là những người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ trong phòng và điều trị HIV, đồng thời giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, các nhóm đồng đẳng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động, cách làm hay để tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như: gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng đồng; giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị ARV… Nhờ đó, đã góp phần kéo giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nhiều cách làm hay trong đợt dịch COVID-19

Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp cho biết, nhóm Xuân Hợp được hình thành từ năm 2008, ban đầu nhóm chỉ có 4 thành viên, hoạt động chủ yếu là tự lực và bí mật. Đến nay, nhóm Xuân Hợp đã thu hút được hơn 14 thành viên là những người có HIV và gia đình của họ tham gia. Sau 10 năm hoạt động, nhóm đã tiếp xúc, giúp đỡ hàng chục nghìn người là những người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ trong phòng và điều trị HIV, đồng thời giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian để tập trung phòng, chống dịch nên các thành viên trong nhóm không tiếp cận trực tiếp được với người nhiễm HIV để tuyên truyền. Do đó, nhóm đã xây dựng fanpage riêng của mình, mời các bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực HIV về nói chuyện chuyển tải những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS. Đến nay, đã có hàng nghìn lượt người theo dõi và hàng chục nghìn lượt xem bài viết trên fanpage của nhóm; đồng thời, thực hiện tư vấn qua điện thoại, qua Facebook, Zalo…

Nhờ được tuyên truyền rộng rãi nên trong thời gian qua có rất nhiều bệnh nhân cũng như các đối tượng nguy cơ cao gọi điện đến để nhờ tư vấn về cách thức được tham gia điều trị, hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Còn anh Lê Trọng Minh, Trưởng nhóm G-Net Biên Hòa cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên nhóm hoạt động chủ yếu qua mạng xã hội. Bắt đầu từ đầu tháng 11/2021, nhóm phát động chiến dịch Nghìn bước đi vì cộng đồng nhằm đề cao tinh thần thể dục thể thao, chung tay cùng mọi người trên toàn quốc hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Thông qua chiến dịch, nhóm đã nhận hơn 100 video clip từ mọi công dân Việt Nam gửi về, truyền tải thông điệp Chấm dứt dịch AIDS: tiếp cận bình đẳng, tiếng nói của mọi người và Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tháng 10/2021, nhóm vinh dự được nhận giải Huyền sử cộng đồng - Tổ chức cộng đồng xuất sắc nhất năm 2021 tại Đồng Nai.

"Cánh tay nối dài" của nghình Y tế

Theo BS Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại lấy thuốc của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi với bệnh nhân điều trị ARV, việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ là cực kỳ quan trọng. Cũng nhờ các nhóm đồng đẳng đã hỗ trợ kịp thời đối với những bệnh nhân HIV, họ sẵn sàng mang thuốc đến tận nhà hoặc đến tận bệnh viện cho những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, họ còn giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần đối với những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch.

Theo anh Mai Như Sơn, trong năm 2021, nhóm Xuân Hợp đã tiếp cận và đưa đi xét nghiệm khoảng 3 nghìn người, trong đó có 132 ca dương tính HIV; hỗ trợ cho 800 người là MSM tiếp cận với các dịch vụ điều trị PrEP (điều trị HIV trước phơi nhiễm). Chỉ riêng trong tháng 11-2021, nhóm Xuân Hợp đã tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm cho 450 người tiêm chích ma túy tại địa bàn TP.Biên Hòa, qua đó góp phần đánh giá tình trạng HIV trong cộng đồng những người tiêm chích ma túy để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đối với nhóm G-Net Biên Hòa, anh Lê Trọng Minh cho biết, trong năm 2021, nhóm cũng tiếp cận được với khoảng 3 nghìn khách hàng, qua đó phát hiện và kết nối điều trị ARV cho 200 người nhiễm HIV, kết nối điều trị PrEP cho khoảng 350 người và 120 người đã được kết nối điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

BS Vũ Thị Ngọc cho biết, số người nhiễm HIV mới trong những năm gần đây giảm rõ rệt. Có được điều này ngoài nỗ lực của nhân viên y tế còn có phần đóng góp to lớn của các nhóm đồng đẳng viên. Trong những năm vừa qua, các thành viên thuộc các nhóm đồng đẳng viên đã tiếp cận trực tiếp với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như: gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, MSM… để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng đồng; đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV⁄AIDS. Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chính vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Họ chính là cánh tay nối dài của nghình Y tế, đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.