Điều trị bệnh viêm gan C cho người nhiễm HIV

09:33, 20/04/2022

Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến gan, được truyền bởi virus viêm gan C (HCV) và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở những người nhiễm HIV.    

Tỉ lệ người nhiễm HIV/viêm gan C khá cao

Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B (viêm gan B) mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C) mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%). Toàn quốc hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống, trong số này có trên 156.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời thuốc ARV và Methadone.

Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.

Thời gian qua, mặc dù tỉ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể nhờ việc mở rộng điều trị thuốc ARV, nhưng tỉ lệ tử vong ở nhóm người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C không có xu hướng giảm do người bệnh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C.

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%. Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir. Qua đó đã có 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.

Sau khi chương trình được triển khai, đã có trên 1.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị viêm gan C từ nguồn thuốc viện trợ miễn phí này. Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.
Tăng cường điều trị bệnh viêm gan C cho người nhiễm HIV

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tăng cường điều trị bệnh viêm gan C cho người nhiễm HIV. Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thông tin, Đồng Nai đang triển khai điều trị bệnh viêm gan C cho bệnh nhân đồng nhiễm HIV, viêm gan C và người nghiện ma túy đang sử dụng thuốc methadone trên địa bàn. Số lượng bệnh nhân được điều trị là 880 người.

Theo đó, sau khi làm xét nghiệm tải lượng viêm gan C, nếu xác định người nhiễm HIV bị bệnh viêm gan C, nhân viên y tế sẽ đưa vào điều trị. Bệnh nhân nào có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán. Bệnh nhân nào không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu thanh toán. Một liệu trình điều trị bệnh viêm gan C là 3 tháng với tổng số tiền điều trị khoảng 30 triệu đồng. Sau khi liệu trình điều trị kết thúc, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tải lượng viêm gan C để biết được hiệu quả điều trị đến đâu.

Theo bác sĩ Quang, các cơ sở điều trị HIV/AIDS và các cơ sở điều trị methadone trong tỉnh sẽ tiếp nhận bệnh nhân đến hết ngày 31/5/2022, điều trị đến hết tháng 8/2022 sẽ kết thúc chương trình của năm 2022. Đây là cơ hội điều trị bệnh tốt cho những bệnh nhân nhiễm HIV và nghiện ma túy đồng nhiễm viêm gan C.

Để bảo đảm sức khỏe cho người đồng nhiễm HIV/viêm gan C, Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu: Đối với cơ sở điều trị HIV/AIDS đã nhận thuốc điều trị VGC, cần tư vấn, đưa bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC vào điều trị VGC càng sớm càng tốt. Đồng thời đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị VGC, bao gồm mô hình điều trị thuốc VGC lưu động, điều tiết thuốc điều trị VGC giữa các cơ sở nhằm bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh và không để tình trạng thuốc đã tiếp nhận bị quá hạn sử dụng.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực cho việc điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C đối với người bệnh.

Phần lớn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân trong việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Trong khi giá xét nghiệm còn cao, mức hưởng từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với thuốc kháng virus trực tiếp cho bệnh nhân điều trị còn thấp cũng là một cản trở cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh. Đây là những rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C của người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C nói riêng và các bệnh nhân nhiễm viêm gan C nói chung.

Ngoài ra, vấn đề người bệnh tuân thủ điều trị và dự phòng tái nhiễm cho người đã được chữa khỏi cũng là những vấn đề cần quan tâm trong công tác điều trị.

Những bệnh nhân tham gia điều trị viêm gan C trên 90% đều khỏi bệnh. Tuy nhiên ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm gan C thì người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ chất để giúp cơ thể có đủ sức chống chọi với bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cũng nên hạn chế, tốt nhất là từ bỏ hẳn những thói quen làm ảnh hưởng xấu đến gan như uống bia rượu, hút thuốc lá; không nên thức khuya; hạn chế táo bón; từ bỏ thói quen nhịn tiểu; không ăn thực phẩm bị nấm mốc… Ngoài ra, người bệnh cũng nên tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao vừa sức để tăng cường khả năng tuần hoàn đưa máu nuôi dưỡng gan, đồng thời tiết mồ hôi giúp đào thải bớt độc chất qua da.