Đó là nội dung mà Trung tâm LIFE vừa tổ chức tại TPHCM dưới sự tài trợ bởi Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và Sốt Rét (VUSTA).
Sáng kiến cho cộng đồng và bởi cộng đồng
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 214.000 người đang sống chung với HIV và khoảng 13.000 ca nhiễm HIV mới mỗi năm. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tăng số người nhiễm HIV được ức chế vi rút, điều này cho phép người nhiễm HIV được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và với tải lượng vi rút không thể phát hiện được thì HIV không thể bị lây truyền qua đường tình dục.
Với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào 2030, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, mà trong đó sự sáng tạo, đổi mới cho và bởi cộng đồng là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Hội thảo “Đổi mới và Sáng tạo: Hướng đến chấm dứt dịch HIV/AIDS bền vững tại Việt Nam” do Trung tâm Life tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các tổ chức cộng đồng (TCCĐ/CBO) chia sẻ ý tưởng cung cấp dịch vụ dự phòng HIV, hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV (ARV) hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý chất lượng dịch vụ, hoạt động cộng đồng và phát triển tổ chức và tài chính bền vững. Đây là cơ hội để các TCCĐ học hỏi kinh nghiệm và ghi nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn để các đổi mới, sáng kiến của cộng đồng được "tung cánh"..
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Quyền Giám đốc-Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Tp.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ; Hội Y tế Công cộng Tp.HCM, dự án PC HIV/AIDS của Quỹ Toàn cầu-Dự án VUSTA, và các tổ chức đối tác của USAID - LADDERS, STEPS, EpiC, LHSS và Digital Square và hơn 40 tổ chức cộng đồng với 130 đại biểu tham dự.
Khi sáng kiến của cộng đồng được "tung cánh"
Với 36 sáng kiến gửi về, sau quá trình chọn lọc, đã có 12 sản phẩm từ các đơn vị/CBO : Glink , Kết Nối Trẻ, Trăng Khuyết, FGG, Vượt Sóng, VENUS, The Time, Greenbiz, M For M và Bluestar được lựa chọn chia sẻ và trình bày tại hội nghị với sự giám sát và phản biện từ các chuyên gia đầu ngành: Cục PC HIV/AIDS Việt Nam, Hội Y tế Công cộng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM, Đồng Nai và Khánh Hòa.
Với 3 phiên song song (buổi sáng) 12 sáng kiến lần lượt chia làm các phiên: Phiên 1. Sáng kiến đổi mới trong các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng; Phiên 2. Sáng kiến thúc đẩy hệ thống cộng đồng phát triển bền vững; và Phiên 3. Sáng kiến thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng hoạt động và dịch vụ cung cấp.
Nhận định về những sáng kiến được thể hiện trong hội nghị, ông Đỗ Hữu Thuỷ - Phó phòng truyền thông, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã cho rằng những sáng kiến của cộng đồng là rất nổi bật, sáng tạo và đầy tính khả thi, ông hoàn toàn bất ngờ trước những nỗ lực đổi mới phương pháp trợ giúp cộng đồng và vận dụng chúng linh hoạt vào các hoạt động can thiệp liên quan đến HIV. Ông cũng cho rằng, các sáng kiến này nên được các tổ chức, doanh nghiệp và những đơn vị quan tâm khác xem xét, đầu tư để chúng có thể “tung cánh”, góp phần quan trọng vào tương lai chấm dứt dịch HIV/AIDS
Bà Nguyễn Nguyên Như Trang – Giám đốc Trung tâm Life cũng cho biết: Để hướng tới đạt được các mục tiêu quốc gia “95-95-95” và kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững vào năm 2030, vai trò và đóng góp của các tổ chức cộng đồng sẽ càng không thể thiếu. Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, Trung tâm LIFE cam kết dẫn dắt các TCCĐ chủ động, sáng tạo, kịp thời nắm bắt sự thay đổi về đặc điểm, nhu cầu và khó khăn của nhóm can thiệp đích để đổi mới hoạt động và hình thức cung cấp dịch vụ dự phòng và hỗ trợ điều trị HIV sao cho phù hợp và hiệu quả. Mặt khác, các tổ chức cần lập kế hoạch kinh doanh, phát triển tài chính nhằm vững bền tổ chức và duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Tháo gỡ cho sáng tạo, đổi mới “tung cánh”
Trong buổi toạ đàm “Cần tháo gỡ gì để các đổi mới, sáng kiến của cộng đồng được "tung cánh", các chuyên gia đến VAAC, CDC TP.HCM, Trung tâm Life, CBO,.. đều cho rằng, việc tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự có được “không gian” để thoải mái sáng tạo là cần thiết cho nỗ lực đổi mới cung cấp dịch vụ dự phòng và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV nhằm góp phần vào mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Đỗ Hữu Thuỷ (VAAC) cho rằng, việc nắm bắt nhanh chóng xu thế lấy cộng đồng làm trung tâm, VAAC và các đối tác quốc tế đã thí điểm việc mua sắm dịch vụ HIV do cộng đồng cung cấp, hay còn gọi là Hợp đồng xã hội. Đây có thể coi là bược ngoặt to lớn, đưa vị thế của các tổ chức cộng đồng lên thành đối tác cung cấp dịch vụ cho nhà nước, ngoài công lập. Có được thành quả này, là sự nỗ lực bền bỉ, sáng tạo và mạnh mẽ đến từ chính các CBO trong nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Nguyên Như Trang (Trung tâm LIFE) cũng cho rằng, sự trưởng thành vượt bậc của các CBO là điểm sáng cho tương lai phát triển bền vững, hướng đến chấm dứt dịch HIV tại Việt Nam. Trước đây chỉ là những đội nhóm tự phát, thì giờ đây, các tổ chức đấy đã phát triển vượt bậc, nâng tầm thành các Doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ đa dạng và toàn diện liên quan đến HIV/AIDS. Nhiều phòng khám từ chuyên khoa đến đa khoa cung cấp các dịch vụ HIV thân thiện với cộng đồng, do chính cộng đồng dẫn dắt trải dài trên khắp Việt Nam là minh chứng cho việc tạo một không gian cho đổi mới, sáng tạo đem đến những kết quả đáng kinh ngạc.
Ông Tống Văn Nam (DNXH Kết Nối Trẻ) cũng cho rằng, những nỗ lực đảm bảo việc phát triển bền vững và đóng góp có ý nghĩa vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam của các CBO là sự tổng hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó phải kể đến sự cởi mở, đổi mới từ Chính phủ Việt Nam, Cục VAAC, sự đóng góp nguồn lực mạnh mẽ đến từ các tổ chức NGO Việt Nam & quốc tế (PEPFAR, USAIDS, Global Fund,VUSTA, LIFE,..) và quan trọng là tư duy luôn luôn tìm tòi, đổi mới và không ngừng thay đổi để phù hợp xu thế giúp các CBO ngày càng vững mạnh.
Mặc dù vẫn còn những rào cản đối với việc tăng cường các biện pháp ứng phó hiệu quả với HIV. Tuy nhiên, Việt Nam đã thúc đẩy môi trường pháp lý, chính sách và tạo điều kiện mạnh mẽ cho các tổ chức cộng đồng mở rộng các phương án phản ứng với HIV. Các sáng kiến do cộng đồng dẫn dắt là một minh chứng cho thấy rằng sự đổi mới, sáng tạo của các cộng đồng bị ảnh hưởng, cho phép họ có không gian, tự do và hỗ trợ để bắt đầu và thực hiện các thay đổi cho chính họ, tìm ra các giải pháp táo bạo để giải quyết vấn đề những thách thức đó.