Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Nam đang mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV nhằm phấn đấu tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi, như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình cung cấp thuốc dự phòng HIV.
Cùng với đó, địa phương tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, Quảng Nam tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan bệnh AIDS, góp phần tăng tính bền vững; giảm dần và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch bệnh HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh HIV/AIDS ở nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Cùng với đó, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, phấn đấu đến năm 2030, 95% người nhiễm biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Về các nhóm chỉ tiêu, Quảng Nam tập trung vào các nhóm chỉ tiêu sau: Nhóm chỉ tiêu tác động - giảm tỷ lệ ca nhiễm mới, giảm tỷ lệ ca nhiễm từ mẹ sang con, giảm tỷ lệ người tử vong liên quan đến HIV/AIDS; nhóm chỉ tiêu về dự phòng - tạo điều kiện cho người mắc HIV có nguy cơ tử vong cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm, người nghiện các dạng chất thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế, tỷ lệ người thuộc đối tượng có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP), nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, không phân biệt kỳ thị với những người nhiễm HIV.
Nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm - nâng cao tỷ lệ người nhiễm HIV hiểu rõ về tình trạng của mình và tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm; nhóm chỉ tiêu về điều trị - hỗ trợ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV, tăng tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và Lao, cải thiện tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C.
Nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế - bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm y tế, phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm y tế, 100% các địa phương có hệ thống thu thập, theo dõi số liệu và đánh giá các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Quảng Nam đề ra 10 nhóm giải pháp thực hiện, như: Nhóm giải pháp về chính trị và xã hội; các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; dự phòng lây nhiễm HIV, các nhóm giải pháp về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV…
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, hiện tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của tỉnh Quảng Nam dưới 0,1% dân số (tỉ lệ này ở Trung ương là 0,3%), trong đó nam giới vẫn chiếm đa số (65%), nữ giới chiếm 35% các trường hợp nhiễm HIV. Xu hướng nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 - 39 tuổi (trên 82%), số mắc mới HIV có xu hướng trẻ hoá. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm MSM.
Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý (59%), quan hệ tình dục (35%), lây truyền từ mẹ sang con (1%) và lây qua đường khác (5%).