Thẻ BHYT không chỉ quan trọng với với người nhiễm HIV/AIDS, mà còn rất quan trọng với bất cứ người dân nào chẳng may ốm đau, bệnh tật.
Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS trên cả nước đang là 91%. Trong đó, có 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ lớn hơn 90% người nhiễm có thẻ BHYT; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ bằng hoặc lớn hơn 99%; còn lại 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 80-90%.
Riêng tại TPHCM, việc triển khai công tác khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT từ năm 2019-2022 đã có nhiều điểm nhấn đáng kể. Theo đó, từ năm 2018, thành phố triển khai cấp thẻ BHYT cho người nhiễm, đồng thời kiện toàn Trung tâm y tế một chức năng thành Trung tâm y tế 2 chức năng. Đến tháng 3/2019, thành phố triển khai cấp thuốc ARV qua BHYT tại 6 phòng khám. Đến nay, TPHCM có 95% bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT. Cùng với đó, 21 Trung tâm y tế và Trung tâm y tế 2 chức năng đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH. Cùng 28 phòng khám tư nhân điều trị ARV qua BHYT.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, HĐNĐ TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND về việc hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn TPHCM, có hiệu lực từ đầu năm 2021. Vì vậy, theo Sở Y tế, đối với bệnh nhận có hộ khẩu TPHCM hoặc cư trú trên 6 tháng tại đây, cũng đã được Sở Y tế chuyển kinh phí mua thẻ BHYT của năm 2022. Còn bệnh nhân HIV/AIDS có hộ khẩu tỉnh khác muốn điều trị tại TPHCM cần đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh BHYT tại các phòng khám tư nhân, đó là thẻ BHYT và các giấy tờ liên quan hoặc bệnh nhân phải được tư vấn chuyển về các tỉnh cư trú điều trị…
Để tăng độ bao phủ BHYT và sử dụng thẻ BHYT trong điều trị HIV/AIDS, BHXH TPHCM đã triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh những quy định của BHXH Việt Nam về việc ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH ngày 12/5/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết các nội dung về điều kiện để cơ sở KCB trở thành tổ chức dịch vụ thu BHYT; về thời gian thanh toán các chi phí, vướng mắc liên quan đến chính sách BHYT.
Đặc biệt, đã thảo luận về nhu cầu của đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trong việc thành lập tổ chức dịch vụ thu BHYT… Bên cạnh đó, BHXH các quận, huyện cũng trình bày kế hoạch thành lập tổ chức dịch vụ thu BHYT trên địa bàn và kế hoạch thực hiện mua thẻ BHYT.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH TPHCM) cho biết, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh rất quan tâm về việc ký hợp đồng ủy quyền với cơ quan BHXH; về nghiệp vụ liên quan đến chính sách BHXH, BHYT; những điều kiện để được ký hợp đồng ủy quyền thu với cơ quan BHXH… Đây là tín hiệu rất tốt cho thấy triển vọng về sự đa dạng trong việc mở rộng các nhóm tổ chức dịch vụ tiềm năng, để cùng chung tay với cơ quan BHXH thúc đẩy, phát triển chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Cơ quan BHXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở KCB cùng tham gia hiệu quả vào mô hình mới này.
Nhằm tăng độ bao phủ BHYT và sử dụng thẻ BHYT trong điều trị HIV/AIDS, TPHCM cũng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện chính sách BHYT hộ gia đình, hướng dẫn ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT cho các cơ sở KCB trên địa bàn…