Báo động trẻ vị thành niên MSM nhiễm HIV

04:06, 09/08/2022

Trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng mạnh. Điều đáng báo động chính là sự tăng nhanh các ca lây nhiễm mới HIV ở trẻ vị thành niên.  

Phát hiện nhiễm HIV trong lần khám sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự, T.V.P (18 tuổi, ở Long An) liền thông báo cho 3 thành viên còn lại của nhóm đi xét nghiệm. Kết quả cả 4 người trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đều cho kết quả dương tính với virus HIV, người nhỏ nhất trong nhóm chưa đầy 16 tuổi.

Câu chuyện trên được N.M.T, một đồng đẳng viên thuộc Nhóm Nâng cao chất lượng dịch vụ CAB ở tỉnh Long An chia sẻ. Anh T. cho biết, trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ cho những bệnh nhân HIV, tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM là khá cao, trong đó có cả những học sinh, sinh viên, công nhân rất trẻ, chỉ dưới 20 tuổi.

"Đáng lo là có nhiều MSM khác đã từng quan hệ tình dục đồng giới với các MSM đã được khẳng định dương tính với HIV", anh T. chia sẻ.

Tương tự như câu chuyện của N.M.T, anh L.N.H, đồng đẳng viên thuộc Nhóm Nâng cao chất lượng dịch vụ CAB ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, là người tiếp cận, chuyển gửi, hỗ trợ chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, câu chuyện làm anh day dứt nhất đó là trường hợp của một em bé trai 15 tuổi nhiễm HIV vì thiếu hiểu biết. Anh L.N.H chia sẻ, trong một lần thực hiện công việc tiếp cận trên mạng xã hội, anh H. đã tình cờ gặp bé K. Sau khi nói chuyện với K. anh H. thấy K. chưa có nhiều kiến thức về việc phòng, chống lây truyền bệnh qua đường tình dục, cũng như phòng, chống HIV/AIDS.

Phải rất khó khăn anh H. mới có thể tiếp cận được với K. và thuyết phục K. đi xét nghiệm HIV. Khi biết bản thân nhiễm HIV, K. đã rất sốc, điều đáng nói là do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, sợ gia đình biết nên K. dứt khoát không tham gia điều trị sớm. Anh H. sau đó đã tìm mọi cách để thuyết phục K. tham gia, tuy nhiên cho đến lúc sức khỏe có vấn đề, K. mới chịu theo anh H. đi đến cơ sở điều trị, khám chữa bệnh. Nếu cứ tiếp tục giấu bệnh, kéo dài tình trạng bệnh thì không biết rồi sức khỏe của K. sẽ ra sao?

Quay trở lại câu chuyện anh N.M.T ở Long An chia sẻ, là một người nhiễm HIV, lại sống trong cộng đồng MSM nên anh T. đã tìm đến công việc để hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ. Hằng tháng nhiệm vụ của anh N.M.T là tìm những đối tượn đích, tiếp cận, tư vấn cho hàng trăm trường hợp có xét nghiệm, điều trị bằng thuốc dự phòng lây nhiễm (PrEP) hoặc thuốc kháng virus HIV (ARV).

"Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là tiếp cận các đối tượng này để tư vấn, trang bị kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cũng như hỗ trợ, cung cấp các vật phẩm dự phòng y tế miễn phí hoặc giới thiệu thành viên đến các điểm xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ nhiễm HIV và điều trị sớm khi nhiễm bệnh", T. cho biết.
Hơn 2 năm gắn bó với công việc này, một đồng đẳng viên ở nhóm Muối Trắng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết công việc của nhóm là tiếp cận các đối tượng MSM để tư vấn, trang bị kiến thức phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ tích cực cho những người bỏ điều trị tuân thủ tốt điều trị, để bảo đảm không lây truyền.

Ngoài ra, nhóm còn tiếp cận đối tượng phụ nữ hành nghề mại dâm, nhóm quan hệ đồng tính nam, tiêm chích ma túy… để tư vấn về kiến thức an toàn tình dục, tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm ARV cho những người nhiễm HIV, giới thiệu thành viên đến các điểm xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ nhiễm HIV và điều trị sớm khi nhiễm HIV cũng như tư vấn cho những người là bạn tình của người nhiễm sử dụng thuốc dự phòng lây nhiễm.

Chỉ là phần nổi của tảng băng…

Nam quan hệ tình dục đồng giới MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này tăng rõ rệt trong những năm gần đây. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hằng năm trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thì trong 10 năm trở lại đây thì số người nhiễm mới HIV trong nhóm MSM đã tăng lên gấp 6 lần. Cụ thể, nhóm MSM hiện có khoảng 300.000 người. Tỉ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng gần 6 lần, từ 2,3% lên 13,3%. Kết quả khảo sát của Cục Phòng chống HIV/AIDS trong MSM cũng cho thấy 8%-11% người được khảo sát cho biết từng quan hệ tình dục tập thể. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh, thành phố, tập trung ở khu vực đô thị, tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những con số trên vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng, do nhiều người trong cộng đồng MSM không "lộ diện" do lo ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Điển hình như trường hợp của em K. đã kể ở trên. Việc không được tiếp cận điều trị sẽ làm cho sức khỏe của người bệnh ngày càng trầm trọng.

Ngoài ra, do nhiều người trong cộng đồng MSM có xu hướng thích có nhiều bạn tình nên việc này khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng lan mạnh hơn nếu họ thiếu kiến thức phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Anh L.Q.H, một đồng đẳng viên ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, nhóm MSM phần lớn là quen biết trên mạng xã hội và thường xuyên cùng nhau đi chơi, quan hệ tình dục, thậm chí đổi bạn tình. Vì thế, chỉ cần một thành viên nhiễm HIV thì có thể lây nhiễm cho cả nhóm.

Qua những ca bệnh được tầm soát và xét nghiệm dương tính HIV trong thời gian qua, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và bác sĩ tại Bệnh viện Vũng Tàu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười ở tỉnh Long An cho biết, gần đây đa số các trường hợp bệnh nhân đến thăm khám nhiễm HIV đều là nam quan hệ tình dục đồng giới. Có nhiều người rất trẻ không có kiến thức về phòng bệnh an toàn. Thậm chí không ít sinh viên, công nhân trẻ tuổi đã nhiễm HIV kể rằng vì tin tưởng bản thân hoặc tin tưởng bạn tình nói rằng đang sử dụng biện pháp an toàn nên quan hệ đồng giới khá thoải mái mà không dùng bao cao su.

Thời gian gần đây tại nhiều địa phương ngày càng phát hiện thêm nhiều người nhiễm mới HIV. Điển hình như tại Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM. Theo những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS, việc phát hiện số ca lây nhiễm HIV tăng cao trong nhóm MSM là do nhóm này "ở ẩn", rất khó tiếp cận vì lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ được một số dự án tài trợ, hỗ trợ công tác phòng chống HIV/AIDS tập trung vào nhóm này nên số người nhiễm HIV trong nhóm MSM đã lộ diện.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An cho biết, với sự hỗ trợ của dự án EPIC, tỉnh Long An đã có nhiều sự thay đổi trong chiến dịch phát hiện, tầm soát, đưa vào điều trị bệnh nhân HIV. Mặc dù dự án EPIC chỉ hỗ trợ cho vài địa bàn nhưng trong bối cảnh đối tượng nhiễm mới HIV trong nhóm MSM đang tăng nhanh và phức tạp CDC tỉnh đã tiếp tục lan tỏa những kiến thức được chuyển giao cho các huyện, thị xã khác.

Cần có những biện pháp can thiệp kịp thời

Nhận định về tình hình dịch HIV/AIDS trong thời gian gần đây, PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trên phạm vi cả nước qua công tác giám sát trọng điểm 2020 phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV tới 13,3% trong MSM, ở một số tỉnh đặc biệt cao như: An Giang (13,5%), Kiên Giang và TPHCM (14,7%), Cần Thơ (22,7%).

Để hạn chế điều này thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị HIV, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Tuy nhiên, với nhiều lý do mà quần thể MSM khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV còn hạn chế, chưa đủ để khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.

Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cũng đã xác định nhóm MSM nói chung và nhóm người bán dâm đồng giới nói riêng là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV/STIs. Hiện nay trên thế giới, đã có rất nhiều mô hình can thiệp được triển khai nhằm tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV/STIs cho nhóm đối tượng  này, như mô hình giáo dục đồng đẳng  (Peer-education), mô hình phổ biến quan điểm thông qua thủ lĩnh (POL), mô hình NAZ, mô hình 3MV (Many men, many voice) hay mô hình tiếp thị xã hội.

Tại Việt Nam, các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM cũng được triển khai qua nhiều chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS. Các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM bao gồm các mô hình tiếp cận truyền thống, tiếp cận theo mạng lưới, trực tuyến, mô hình hỗ trợ liên tục và mô hình chi trả theo hiệu suất. Các mô hình tập trung vào 4 vấn đề: Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM/TG; tiếp cận với nhóm MSM trẻ, vị thành niên như thế nào – Mô hình hiệu quả và bài học kinh nghiệm; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV và STIs; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP…

Nhận định về những tác động đối với nhóm MSM, Ths. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nhóm quần thể MSM ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Do tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác nếu không có sự tham gia tích cực của các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM.

Theo đó, nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác.

Mỗi một khách hàng được tiếp cận để tư vấn, giới thiệu, đưa vào điều trị dự phòng PrEP hoặc điều trị ARV là mỗi một mảnh đời nhiều uẩn khúc. Có người bị xâm hại mà lệch lạc giới tính, có người vì đi bán thân để nuôi bố mẹ và em gái, có người vì bị bạn tình giấu bệnh tật… mà trở thành đối tượng nguy cơ cao. Do đó, để tiếp cận cộng đồng MSM, vai trò của các CBO cộng đồng, đồng đẳng viên rất quan trọng để điều phối và hỗ trợ các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến nhạy cảm giới ở nhóm nguy cơ cao.

Cho ý kiến về giải pháp để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm MSM, nhất là đối với những trẻ vị thành niên, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An nhấn mạnh, tỷ lệ trẻ hóa nam đồng giới nhiễm HIV đang là vấn đề đáng báo động không chỉ riêng tại Long An. Do đó chúng ta cần phải hành động ngay để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

"Chúng tôi muốn cảnh báo mạnh mẽ tình trạng nam quan hệ tình dục đồng giới ở lứa tuổi học sinh. Chúng tôi muốn đẩy mạnh truyền thông, muốn các nhà trường cùng phối hợp tuyên truyền rộng rãi. Tôi cho rằng, nội dung này cần đưa vào nội dung môn học về giáo dục giới tính để các bạn nam đồng giới hiểu đúng, có biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV", ông Linh bày tỏ.