Chương trình PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ tháng 3/2019. Đến nay, đã có 10 phòng khám cung cấp điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ. Kết quả đánh giá cho thấy, hiệu quả bảo vệ khỏi HIV nếu sử dụng thuốc PrEP là 92%.
Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân là MSM. Ảnh: Thùy Chi |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, riêng trong tháng 8, tỉnh ghi nhận 23 trường hợp mắc mới HIV. Tính đến nay, toàn tỉnh phát hiện khoảng hơn 6.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Công tác điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone tiếp tục được triển khai tại các cơ sở điều trị trong tỉnh. Ngoài ra, có 414 bệnh nhân đồng nhiễm HIV, viêm gan C được điều trị viêm gan C.
Hiện Đồng Nai có 9 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Những cơ sở này đang tiếp nhận và điều trị ARV cho hơn 5.200 bệnh nhân, trong đó có hơn 110 bệnh nhi. Có hơn 1.200 bệnh nhân đang được điều trị bằng methadone, đạt 87,6% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Về hình thái lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, tập trung ở các nhóm nguy cơ cao như mại dâm, người tiêm chích ma túy, nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong những năm gần đây tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới tập trung nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nhóm MSM. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình PrEP là việc làm rất cần thiết, giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, những đối tượng cần sử dụng thuốc PrEP gồm: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Việc sử dụng đều đặn 1 viên thuốc PrEP mỗi ngày sẽ có tác dụng ngăn virus HIV tấn công cơ thể và bảo vệ người sử dụng trước nguy cơ lây nhiễm HIV.
Để được sử dụng thuốc PrEP, những người thuộc diện nguy cơ lây nhiễm HIV cao sẽ đến các phòng khám có triển khai điều trị dự phòng bằng thuốc PrEP để được bác sĩ thăm khám, sàng lọc, cho chỉ định xét nghiệm HIV. Trường hợp nào có kết quả âm tính với virus HIV sẽ chuyển qua phòng khám và thực hiện một số xét nghiệm cơ bản và được cấp thuốc PrEP. Người sử dụng thuốc cần tuân thủ việc tái khám sau 1-2 tháng sử dụng. Sau đó, định kỳ 3 tháng/lần, người sử dụng thuốc tái khám tại cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Anh N.N.L. (ở tại TP.Biên Hòa) cho biết, anh phát hiện nhiễm HIV cách đây 4 năm. Từ đó đến nay, anh đều đặn đến Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được thăm khám và nhận thuốc ARV về sử dụng. Hiện anh L có bạn trai gắn bó đã lâu, người bạn trai đã động viên anh vượt qua chính mình, giúp anh duy trì việc điều trị thuốc kháng HIV. Để phòng tránh lây nhiễm HIV cho bạn trai, anh L. đã nhờ giới thiệu bạn trai đến gặp bác sĩ tư vấn, sử dụng thuốc PrEP phòng ngừa lây nhiễm. Kết quả xét nghiệm lần gần đây nhất cho thấy, bạn trai anh L. vẫn an toàn trước HIV.
Các bác sĩ lưu ý, việc sử dụng thuốc PrEP ở nhóm nam quan hệ tình dục có 2 dạng, hoặc sử dụng hằng ngày hoặc sử dụng theo tình huống. Trước khi sử dụng thuốc PrEP theo phương án nào, các đối tượng có nguy cơ cần tham vấn bác sĩ để lựa chọn phù hợp, an toàn.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2019 với sự hỗ trợ của Tổ chức PATH, do dự án USAID tài trợ.
Hiện nay, Đồng Nai có 4 mô hình của chương trình điều trị PrEP đang hoạt động là: Phòng khám tại cộng đồng do tư nhân quản lý; cơ sở điều trị phối hợp giữa các phòng khám ngoại trú HIV ở trung tâm y tế kết hợp điều trị PrEP; mô hình điều trị PrEP phối hợp với các tổ chức dựa vào cộng đồng cung cấp dịch vụ và điều trị PrEP lưu động.
Trong thời gian tới, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu vào năm 2030, Đổng Nai sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV và dự phòng HIV đối với những người nguy cơ lây nhiễm cao; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ dự phòng PrEP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động các nhà thuốc, phòng khám tư nhân cùng tham gia triển khai dịch vụ này để người dân dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin