Để giảm bớt áp lực cho Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, ngành y tế đã rất nỗ lực trong việc thí điểm hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS và đã mang lại nhiều lợi ích từ việc thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS.
Xét nghiệm HIV cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi |
Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là quá trình các nguồn lực của Nhà nước được sử dụng để cung cấp vốn cho các đơn vị ngoài nhà nước cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Mô hình này hiện được nhiều nước trên thế giới thực hiện, tại Việt Nam mô hình được thực hiện thí điểm ở một số địa phương.
Bảo đảm tính bền vững của các dịch vụ cộng đồng trong phòng, chống HIV
Hiện nay, trong bối cảnh các nguồn viện trợ dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng hạn chế thì việc thực hiện chủ trương hợp đồng xã hội có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, vẫn từ nguồn ngân sách dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng sẽ được sử dụng hiệu quả hơn mà không làm gia tăng bộ máy cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các dự án với đối tác nước ngoài phần lớn các tổ chức xã hội đã có nhiều kinh nghiệm, cũng như cách tiếp cận sâu hơn tới đối tượng vì vậy, khi thực hiện mô hình hợp đồng xã hội đem lại lợi ích lớn, đặc biệt đối với các tổ chức dân sự xã hội (CSO) và các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO).
Nghệ An là một trong 10 tỉnh có số lượng người nhiễm HIV cao nhất cả nước, chính vì vậy, khi nguồn viện trợ cắt giảm, dịch HIV vẫn có xu hướng tăng công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn. Việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội, tiến tới sử dụng ngân sách Nhà nước để bảo đảm tính bền vững của các dịch vụ cộng đồng đã hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống HIV/AIDS cần thiết.
Mô hình hợp đồng xã hội cơ cấu gọn nhẹ, hợp đồng rõ ràng, chi trả theo hiệu suất tìm ca mới, khuyến khích CBO chủ động sáng tạo trong tìm ca. Do nhóm CBO sàng lọc đối tượng tốt nên đạt hiệu suất cao (gần 10% so với tỉ lệ khoảng 3% của cơ sở y tế). Tỉ lệ chi phí mô hình này thấp hơn so với chi phí của chương trình dự phòng của tỉnh hiện đang áp dụng.
Theo số liệu thống kê, Nghệ An phát hiện hơn 12.500 người nhiễm HIV, trong đó hơn 10.000 người cư trú trên địa bàn tỉnh. Huyện Quế Phong nhiều nhất với hơn 2.000 người, TP Vinh gần 1.900.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng triển khai những mô hình hiệu quả, hỗ trợ Nghệ An vẫn bảo đảm khá tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh vẫn duy trì hoạt động 9/9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn, bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV; đa dạng hóa dịch vụ xét nghiệm HIV tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, các cơ sở y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động tại 21 huyện, thành, thị; tư vấn, chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ cơ sở xét nghiệm đến kết nối điều trị HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là đối với các nhóm nguy cơ cao và các vùng trọng điểm dịch. Hoạt động truyền thông trực tiếp được thực hiện qua đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, số lượt truyền thông về HIV/AIDS là 14.307 lượt, tổng số lượt người được truyền thông là 191.301.081 lượt. Về hoạt động cung cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại, tỉnh đã thực hiện cấp phát cho các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, MSM, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm nhiều bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cũng được đẩy mạnh và duy trì hoạt động tại 12 cơ sở điều trị Methadone và 20 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh…
Giúp tỉ lệ nhiễm mới HIV giảm mạnh
Tại Đồng Nai, mô hình được triển khai từ tháng 6/2022 với các gói dịch vụ bao gồm: Cấp phát các vật phẩm giảm hại và chuyển gửi người có nhu cầu điều trị Methadone; xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP.
Qua thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã đạt được những kết quả như: Ca tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV âm tính đạt 92%; kết nối thành công điều trị PrEP đạt 100%; chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định và kết nối thành công điều trị ARV đạt 91,7 % so với chỉ tiêu.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, lũy tích người nhiễm HIV tại Đồng Nai là 5.981, trong đó số người điều trị ARV là hơn 5.100 người. Trong 3 năm qua, tỉ lệ nhiễm mới HIV tại Đồng Nai giảm mạnh. Cụ thể, năm 2020 phát hiện 51 người, năm 2021 là 18 người, trong quý 1/2022 là 5 người. Những nhóm nguy cơ làm lây nhiễm HIV tại Đồng Nai bao gồm: tiêm chích ma túy hơn 3.900 người, nam quan hệ đồng giới hơn 7.100 người và phụ nữ bán dâm gần 3.000 người.
Trong 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 417 trường hợp mắc mới HIV, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 173 người có hộ khẩu ở tỉnh. Đồng thời ghi nhận 9 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Đến nay, hệ thống y tế của tỉnh vẫn đang thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hơn 1.200 bệnh nhân; tổ chức khám, điều trị bằng thuốc ARV hơn 5.200 bệnh nhân HIV/AIDS tại 9 cơ sở điều trị. Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 trường hợp mắc HIV/AIDS, duy trì tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh <0,3%.
Cần mở rộng mô hình để tiếp cận đối tượng đích
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các tổ chức xã hội ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế vẫn tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới, nên hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức xã hội. Vì vậy, khi thực hiện mô hình hợp đồng xã hội, giúp ngành y tế dễ dàng tiếp cận hơn đối với đối tượng đích.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25 - 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy cần mở rộng việc thực hiện mô hình hợp đồng xã hội thực hiện phòng chống HIV/AIDS. Trong đó Nhà nước cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, có cơ chế hợp đồng và giám sát dịch vụ chặt chẽ, minh bạch để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn công cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ. Nâng cao năng lực để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và có đủ kinh nghiệm để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.
Đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong việc thực hiện mô hình thí điểm hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS. Để tiếp tục đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm số người nhiễm HIV, Đồng Nai phấn đấu thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt đại dịch HIV đến năm 2030 và cam kết sẵn sàng đi đầu thí điểm hợp đồng xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin