Linh hoạt các giải pháp, mô hình phòng, chống HIV/AIDS

Theo Tiengchuong.vn 16:06, 14/11/2022

Tại Khánh Hòa, ngành y tế tỉnh đã triển khai linh hoạt nhiều hoạt động, mô hình, giải pháp hiệu quả, giúp người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe, tìm lại giá trị cuộc sống.

Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi
Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Tỉ lệ nam giới nhiễm HIV chiếm đến hơn 84%

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống hơn 1.350 người. Trong đó, nam giới chiếm tỉ lệ hơn 84%, còn lại là nữ giới. Điều đáng lo ngại là nhóm 20-29 tuổi nhiễm HIV chiếm tỉ lệ hơn 56%, nhóm 13-19 tuổi chiếm 3,5%; nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) chiếm cao nhất với gần 50%.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa nhận định, hình thái lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn là các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM; đường lây truyền chủ yếu là đường tình dục. 
Bên cạnh đó, nguy cơ làm gia tăng ca nhiễm HIV còn tiềm ẩn, phức tạp do tình trạng nghiện ma túy gia tăng, trong khi các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trước bối cảnh đó, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, linh hoạt các mô hình phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, có mô hình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP). Hiện nhóm khách hàng trên địa bàn tỉnh sử dụng PrEP khá đa dạng, trong đó tới 80% là MSM. Phương pháp điều trị này có kết quả rất khả quan về khả năng dự phòng. Do đó, địa phương đang đẩy mạnh chương trình điều trị PrEP nhằm góp phần hạn chế thấp nhất số ca nhiễm trong nhóm đối tượng MSM.

Không chỉ có mô hình PrEP, công tác phòng, chống, điều trị HIV luôn được quan tâm đặc biệt ở Khánh Hòa. Từ khâu tư vấn, xét nghiệm đến cấp phát thuốc được thực hiện bài bản, tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng công tác can thiệp giảm hại. Nòng cốt của nhiều hoạt động này ngoài các nhân viên y tế còn có các nhóm giáo dục viên đồng đẳng trong toàn tỉnh với số lượng đông đảo lên đến 32 người. Các đồng đẳng viên đã dùng nhiệt huyết của mình để triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV.

Các nhóm đồng đẳng còn kết nạp thêm nhiều thành viên nhiễm HIV là cộng tác viên, cùng gần gũi, sẻ chia, tìm hiểu nguyện vọng của nhau thông qua các buổi sinh hoạt nhiều người nhiễm HIV đã được cải thiện sức khỏe, tâm lý ổn định, tìm lại được giá trị của cuộc sống.

Chị T.T.L, 32 tuổi cho biết, chị biết tình trạng nhiễm HIV và tham gia điều trị ARV nhờ được đồng đẳng viên tư vấn, giới thiệu. 5 năm trước, chị nhiễm HIV từ người chồng nghiện chích ma túy. Năm chồng chị mất vì căn bệnh thế kỷ này, sức khỏe chị L. cũng bị giảm sút rõ rệt. Chị gầy đi trông thấy, nghi ngờ mình cũng đã lây nhiễm bệnh từ chồng, nhưng chị đã không dám đối diện với sự thật. Càng ngày tinh thần và sức khỏe chị ngày càng sa sút, suy sụp. Rồi một lần chị H. hoạt động trong nhóm hoạt động vì cộng đồng tìm đến khuyên nhủ, vận động chị đến cơ sở xét nghiệm và tham gia điều trị ARV, nghe lời chị H. chị L. đã tiếp cận xét nghiệm, điều trị, và từ đó, chị cũng theo chị H. tham gia các sự kiện của nhóm hoạt động vì cộng đồng để giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ.

Hướng tới các mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS

Với hàng loạt cách làm hiệu quả đã tạo nên cuộc xoay chuyển tâm lý cho hàng loạt người có nguy cơ nhiễm HIV hoặc đã nhiễm. Từ đó giúp những người nhiễm HIV phát hiện tình trạng bệnh của mình, tiếp cận điều trị, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, giúp giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, để tạo thuận lợi cho các đối tượng nguy cơ cao được thuận tiện trong việc xét nhiệm HIV, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì tốt phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa còn triển khai thí điểm xét nghiệm HIV thông qua hệ thống online.

Một số bệnh nhân nhiễm HIV cho biết, với căn bệnh này càng xét nghiệm sớm, càng điều trị kịp thời càng tốt cho sức khỏe. Duy trì được đời sống bình thường. Một đồng đẳng viên tuyên truyền xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cũng chia sẻ, có nhiều đối tượng ở tận miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đến TP. Nha Trang sinh sống, khi phát hiện mình có nguy cơ nhiễm HIV đã tách khỏi cộng đồng. Đối với những trường hợp này, nếu không tiếp cận kịp thời để củng cố tinh thần và xét nghiệm cho họ thì nguy cơ lây lan cho người khác là rất cao, nếu họ đã bị nhiễm HIV.

Từ những sự chuyển biến tích cực, đến nay tổng số bệnh nhân điều trị ARV ở Khánh Hòa là 1.222 (1.198 người lớn và 24 trẻ em). Tỉ lệ % bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT là 93,1%. Bệnh nhân khi nhận thuốc điều trị HIV đều được nhắc nhỡ kỹ lịch uống thuốc cũng như các giải pháp dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. Tình trạng người mắc HIV dấu bệnh đã giảm một cách mạnh mẽ ở Khánh Hòa. Thay vào đó là ý thức chủ động bảo vệ tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng xung quanh đồng thời hầu hết các bệnh nhân đều rõ kỹ năng chăm sóc bản thân.

Để bảo đảm kết quả phòng, chống dịch bền vững, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh giải pháp PrEP, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch đã triển khai, tiến tới khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3% dân số và nỗ lực giảm số người nhiễm HIV mới.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu 95-95-95 (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị; 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền virus HIV cho người khác) vào năm 2025…