Ứng phó toàn diện để đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Tùng Lâm 09:16, 15/11/2022

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 110 người nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiếm HIV tại Thái Nguyên lên xấp xỉ 9.300 người. Thái Nguyên hiện có trên 4.750 người nhiễm HIV còn sống. Để hoàn thành mục tiêu 90-90-95 vào năm 2025, thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp rất tích cực. 

Cán bộ Trạm Y tế phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) lấy mẫu máu xét nghiệm loại trừ các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS, cho phụ nữ mang thai.
Cán bộ Trạm Y tế phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) lấy mẫu máu xét nghiệm loại trừ các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS, cho phụ nữ mang thai.

Năm 2022 là thời điểm Thái Nguyên bước sang năm thứ 26 đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, đến nay, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS ngày càng hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động tìm ca nhiễm HIV tại các cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng, thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để giới thiệu chuyển tiếp đến cơ sở điều trị. Cùng với đó là tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ cao. Đồng thời cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị, điều trị nhanh và điều trị trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng; triển khai cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)…

Bằng những việc làm thiết thực, thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Thái Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan. Dịch bệnh đang có xu hướng giảm theo tình hình chung của cả nước. Số ca nhiễm mới trên địa bàn giảm từ 542 ca năm 2012 xuống còn 182 ca năm 2021. Số ca tử vong do AIDS cũng giảm từ 308 ca năm 2012 xuống còn 83 ca năm 2021. Hiện, toàn tỉnh có 2/8 cơ sở điều trị HIV/AIDS cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT cho trên 1.000 bệnh nhân.

Đặc biệt, trong thực hiện mục tiêu 90-90-95, Thái Nguyên cũng đã gần “cán đích”. Cụ thể, với mục tiêu 1 (90% người nhiễm biết tình trạng của mình), đến nay, Thái Nguyên đã đạt gần 86,5%.

Anh T.P.T, 28 tuổi, ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), cho biết: Tôi tình cờ phát hiện mình nhiễm HIV từ 5 năm trước. Khi ấy, tôi vô cùng suy sụp. Tuy nhiên, các y, bác sĩ đã động viên tôi rất nhiều. Cũng may, tôi đã phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV của mình để được quản lý, điều trị bằng thuốc ARV từ sớm nên dự phòng được việc lây bệnh cho người thân. Nhờ uống thuốc đều đặn, năm 2019, vợ chồng tôi sinh cháu gái đầu lòng rất khỏe mạnh, không nhiễm HIV.

Ở mục tiêu 2,90% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV, hiện tại, Thái Nguyên đã đạt trên 85%. Nằm trong số hơn 4.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, chị T.T.H, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), nói: ARV chính là “thần dược” của những người nhiễm HIV. Nhờ dùng thuốc đều đặn mà sau gần 20 năm nhiễm HIV, tôi vẫn sống khỏe mạnh và yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Đối với mục tiêu 3,95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền, Thái Nguyên đang đạt 99%, vượt so với mục tiêu của Bộ Y tế đề ra cho cả nước vào năm 2025.

Điều này đã góp phần làm giảm số ca mắc mới trong cộng đồng tại Thái Nguyên trong những năm gần đây, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,36%.

Ngoài ra, đến nay, gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có thẻ BHYT; gần 83% bệnh nhân tham gia điều trị ARV được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn quỹ BHYT...

Sau hơn 2 thập kỷ, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Dù vậy, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Văn Trường chia sẻ: Một trong những điều khiến chúng tôi trăn trở là đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa với hơn 80% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi từ 25 đến 49. Đáng nói, thời gian qua có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế. Điều này cho thấy dịch HIV/AIDS tại Thái Nguyên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.

Để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu đề ra, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức trong phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi người hãy cùng chung tay tuyên truyền về các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm HIV; sử dụng thuốc ARV đều đặn… Để từ đó, Thái Nguyên tiếp tục ứng phó toàn diện và kịp thời nhằm đạt được mục tiêu 90-90-95 và kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.


Từ khóa:

đại dịch HIV/AIDS

Thái Nguyên