Trong khuôn khổ mở rộng Dự án hỗ trợ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027, Tổ chức Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) có kế hoạch hỗ trợ chương trình xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS tại Cà Mau.
Bàn truyền thông, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi |
Trong 02 ngày (16-17/5), nhằm đánh giá dự án mới về phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức AHF có chuyến khảo sát, làm việc tại Cà Mau.
Trong buổi làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cà Mau, Đoàn công tác của Tổ chức AHF được nghe đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo tóm tắt chương trình phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh, tình hình HIV, kết quả các dự án đã hỗ trợ tại Cà Mau... Những khó khăn và thuận lợi trong công tác phòng chống HIV tại tỉnh. Nhu cầu hỗ trợ công tác tư vấn xét nghiệm HIV và điệu trị HIV/AIDS trong năm 2023 và những năm tiếp theo...
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV, có 6 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính taị 5 huyện và CDC.
Số lũy tích người nhiễm HIV tiếp tục tăng cao, trên 3.000 người nhiễm đang cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có trên 300 người dương tính với HIV mới và trên 500 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế xã hội.
Tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng rất nhanh trong những năm gần đây với tỉ lệ nhiễm cấp cao. Tại một số huyện, số lượng người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực huyện ven biển.
Kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh giai đoạn 2015-2020 phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ quốc tế. Trong những năm gần đây, nguồn kinh phí viện trợ chủ yếu từ dự án Quỹ Toàn cầu, các nguồn tài chính trong tỉnh (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế) chưa đáp ứng đủ tài chính cho các dòng hoạt động chủ chốt, nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nếu Dự án ngừng hỗ trợ.
BHYT đã tham gia chi trả cho công tác điều trị HIV/AIDS, nhưng các hoạt động thuộc lĩnh vực xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch HIV/AIDS chủ yếu vẫn dựa vào viện trợ, chưa có cơ chế tài chính trong tỉnh bền vững cho những lĩnh vực này...
Tại buổi làm việc, đại diện AHF, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đại biểu tham dự đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến các hoạt động hỗ trợ của dự án AHF tại tỉnh Cà Mau năm 2023 và các năm sau như: Hỗ trợ trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, hỗ trợ kinh phí hoạt động, thực hiện báo cáo...
Trong chuyến công tác đợt này, Đoàn công tác sẽ đến khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, Bệnh viện TP. Cà Mau và Trại giam Cái Tàu.
Để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV, Cà Mau đang đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội…
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan virus, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin