Các đại biểu Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt đã rất ấn tượng với những kết quả quận Nam Từ Liêm đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thùy Chi |
Ngày 12/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu đang diễn ra tại Việt Nam, các đại biểu dự Hội nghị đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Đây là chuyến khảo sát thực tế nhằm đánh giá hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm.
Trước khi làm việc, các đại biểu Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét đã đi thực tế hoạt động khám, chữa bệnh, điều trị Methadone, ARV, PrEP tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Đây là đơn vị y tế công lập đa chức năng, gồm 3 phòng chức năng, 1 phòng khám đa khoa và 10 trạm y tế phường.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, từ năm 2004 Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm bắt đầu triển khai điều trị nhiễm trùng cơ hội, năm 2006 điều trị ARV bằng nguồn thuốc của dự án Quỹ Toàn cầu, năm 2019 thực hiện chi trả thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.
Tính đến ngày 31/3/2023, phòng khám thực hiện điều trị cho 1.712 bệnh nhân (1.695 người lớn và 17 trẻ em), trong đó 94,3% người bệnh có bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, 100% người bệnh được sàng lọc lao và điều trị điều trị dự phòng, sàng lọc và điều trị các bệnh lý kèm theo gồm viêm gan B, C, sàng lọc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ can thiệp, kết nối chuyển gửi các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn.
Về điều trị PrEP và Teleprep, tính đến hiện tại có 1.039 khách hàng được cung cấp dịch vụ, trong đó 84,7% điều trị trên 3 tháng, 100% người bệnh HIV được sàng lọc lao, 100% bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV, tỉ lệ mắc lao trong nhóm người nhiễm HIV trong 5 năm qua ở mức thấp là 0,5%. Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã điều trị viêm gan C cho 1.367 người, tỉ lệ khỏi bệnh là 96%.
Về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Trung tâm Y tế quận đã điều trị cho 1.298 người, có 87,3% trong số này duy trì điều trị trên 12 tháng,
Tại buổi làm việc, các đại biểu của Quỹ Toàn cầu đã bày tỏ sự ấn tượng trước các kết quả mà Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đây là những minh chứng cụ thể cho nỗ lực kiểm soát và chấm dứt dịch AIDS của Việt Nam.
Bà Arika Placella, Thành viên Ban điều hành Quỹ Toàn cầu cho biết bà rất ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam nói chung, và Trung tâm Y tế quận đã đạt được trong thời gian qua. Cụ thể, kết quả việc điều trị theo dõi tải lượng virus khá ấn tượng tại Trung tâm khi 100% bệnh nhân được theo dõi tải lượng virus; trong đó 97% được xét nghiệm trong vòng 12 tháng, tỷ lệ ức chế virus HIV đạt 99,5%.
Bên cạnh đó, vấn đề lồng ghép, những dịch vụ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh liên quan đến lao, HIV cũng đã được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Theo bà Arika Placella, thời gian tới để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS, cải thiện và đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội để nhân rộng các mô hình mới trong phòng chống HIV/AIDS.
Để đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đã xây dựng kế hoạch hành động; trong đó đưa ra các nội dung, giải pháp để triển khai, thực hiện.
Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế.
Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét là một trong những tổ chức quốc tế hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động phòng chống AIDS, lao và sốt rét.
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003. Tính đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Trong 20 năm qua, với sự đóng góp to lớn của Quỹ toàn cầu, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin