Triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV do Dự án EPIC tài trợ

Theo Tiengchuong.vn 14:56, 25/05/2023

Là một trong 03 tỉnh được lựa chọn triển khai thí điểm trong khuôn khổ dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam (Dự án EPIC) năm 2023. Kiên Giang đã rất tích cực đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV góp phần đạt mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Bệnh nhân được tư vấn và nhận uống thuốc điều trị. Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Phó Giám đốc Dự án cho biết, để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai tốt các hoạt động đáp ứng y tế công cộng. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang và các đơn vị trực thuộc đã rất tích cực, có trách nhiệm và rất hiệu quả trong công tác chuẩn bị triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV.

Đặc biệt, Phó Cục trưởng cũng cảm ơn sự hỗ trợ đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam trong đó có TS Eric Dziuban, BS Minesh P. Shah và toàn bộ các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương, cùng đồng hành với Cục Phòng chống HIV/AIDS để triển khai hoạt động này.

Tiến sỹ Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, thời gian quan Kiên Giang đã rất nỗ lực triển khai dịch vụ xét nghiệm khẳng định HIV tại TTYT Phú Quốc. Trên cơ sở các kết quả đạt được, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Kiên Giang để tập trung vào các vấn đề về thực hiện chặt chẽ về quy chế đáp ứng y tế về chùm ca bệnh, đẩy mạnh theo dõi tăng cường báo cáo số liệu; Tăng cường hoạt động tìm ca thông tư vấn bạn tình, bạn chích; thông qua qua mạng lưới xã hội SNS…; Tăng cường sử dụng dịch vụ PrEP với các quần thể đích; Tăng cường chuyển gửi kết nối điều trị ARV; Tăng cường các dịch vụ: duy trì điều trị liên tục, theo dõi tải lượng virus…; Củng cố hệ hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định tại Kiên Giang, quản lý chất lượng xét nghiệm….

Theo số liệu thống kê, tỉ lệ hiện nhiễm HIV tỉnh Kiên Giang là 200/100.000 dân. Địa phương có số người mới phát hiện và tỉ lệ mắc trên 100.000 dân cao tập trung chủ yếu ở một số huyện có điểm nóng như Phú Quốc, Rạch Giá (>400), Hà Tiên (>300) và Kiên Hải (>200). Người nhiễm HIV/AIDS ở Kiên Giang phân bố theo giới tính có: 62,4% là nam, 37,6% nữ; phân bố cao nhất ở độ tuổi 25 - 49 (73,0%), kế tiếp độ tuổi 15-24 (18,0%); nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục cao nhất (72,6%), đường máu 5,4%, mẹ truyền sang con 4,5% và có đến 17,5% không rõ đường lây.

Dịch HIV/AIDS tỉnh Kiên Giang hiện nay vẫn trong giai đoạn dịch tập trung ở mức độ thấp, nhưng có dấu hiệu cảnh báo gia tăng do các yếu tố sau: Ti lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao những năm gần đây dao động trên dưới 4%, nhóm phụ nữ mang thai vẫn dưới 1%. Nhóm tuổi nhiễm HIV trên 25 tuổi chiếm ưu thế (73%). Về đường lây tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục cao nhất (72,6%).

Trong khuôn khổ dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC do CDC Hoa Kỳ tài trợ), ngày 22/5/2023 ngành y tế Kiên Giang cũng đã tổ chức Lễ Công bố dịch vụ điều trị ARV trong ngày tại Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dự án EPIC đã luôn đồng hành, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) có thể triển khai được dịch vụ điều trị ARV trong ngày, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nhiễm HIV nói riêng và cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Kiên Giang nói chung.  

Điều trị ARV sớm đem lại rất nhiều lợi ích đối với người nhiễm HIV như hỗ trợ phục hồi hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan tới HIV. Từ ngày 14/1/2023, Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc đã triển khai dịch vụ điều trị ARV trong ngày cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn của đơn vị. Tính đến tháng 5/2023, Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc đã cung cấp dịch vụ điều trị ARV trong ngày cho 21 bệnh nhân.

Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, thành công bước đầu này là động lực để các cơ quan quản lý như Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế tỉnh, Trung tâm CDC tỉnh, Dự án EPIC, cơ quan hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật như CDC Hoa Kỳ, Quỹ toàn cầu tiếp tục nỗ lực cùng các đơn vị triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm nói chung và dịch vụ điều trị ARV trong ngày nói riêng.

Việc triển khai dịch vụ điều trị ARV trong ngày cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn mang lại nhiều thuận lợi cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Bệnh nhân N.N.H, sống tại Phú Quốc cho biết, việc xét nghiệm và điều trị chỉ trong 1 ngày , thậm chí chỉ từ 6-8 tiếng đã thực sự có hiệu quả, giúp anh tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và chờ đợi của họ. Đặc biệt, được sự quan tâm, nhiệt tình tư vấn của các y bác sỹ, các tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ cho những người nhiễm HIV được nhận các dịch vụ hiệu quả, giúp họ vượt qua những mặc cảm để điều trị bền vững.