Campuchia lo ngại vì tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS

Theo Tiengchuong.vn 15:03, 27/06/2023

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đã bày tỏ quan ngại về tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại nước này, khi số người nhiễm HIV/AIDS trong năm 2022 tăng lên hơn 1.400 trường hợp.

Theo Thủ tướng Hun Sen, bệnh HIV/AIDS đáng sợ hơn dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, trên thế giới đã có thuốc điều trị và phòng dịch bệnh COVID-19 nhưng đối với bệnh AIDS thì chưa nước nào tìm ra được. Ảnh minh họa
Theo Thủ tướng Hun Sen, bệnh HIV/AIDS đáng sợ hơn dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, trên thế giới đã có thuốc điều trị và phòng dịch bệnh COVID-19 nhưng đối với bệnh AIDS thì chưa nước nào tìm ra được. Ảnh minh họa

Thủ tướng Campuchia đã kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chủ động các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV khi ông có buổi gặp mặt hơn 20.000 công nhân đến từ 13 nhà máy tại thủ đô Phnom Penh mới đây.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, đại dịch AIDS tại Campuchia vẫn chưa kết thúc, trong năm 2022 số ca nhiễm HIV mới đã tăng so với năm 2021. 

Thủ tướng Hun Sen cho nhấn mạnh: "Thứ nhất, Campuchia vẫn chưa xóa sổ được bệnh AIDS, vì vậy mỗi người phải biết tự bảo vệ mình, không phân biệt nam hay nữ. Nếu cảm thấy nghi ngờ thì cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ. Thứ hai, chúng ta không được phân biệt đối xử người bị AIDS. Thứ ba là phải biết tự bảo vệ mình, kể cả những người đồng tính. Thứ tư, nếu như có dấu hiệu bị thì lập tức đi xét nghiệm".

Theo Thủ tướng Hun Sen, bệnh HIV/AIDS đáng sợ hơn dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, trên thế giới đã có thuốc điều trị và phòng dịch bệnh COVID-19 nhưng đối với bệnh AIDS thì chưa nước nào tìm ra được.

Thống kê của Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2022 cho thấy, trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2020, tỉ lệ tăng số ca mắc mới HIV của người trẻ trong nhóm 15 - 24 tuổi tại Philippines lên tới 216%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan đều ghi nhận hơn 40% số ca mới nhiễm HIV là ở thanh thiếu niên. Nếu xu hướng này không được đảo ngược, từ giờ đến năm 2030, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể ghi nhận thêm 7 triệu ca HIV mới.

Theo Cơ quan Phòng chống AIDS Quốc gia (NAA) mới đây NAA đã thống nhất ban hành một số quyết định, trong đó có chiến lược hướng tới đạt được mục tiêu 95% người nhiễm HIV/AIDS nhận thức được tình trạng bệnh của mình. Để đạt được mục tiêu này, NAA khuyến khích người dân tích cực tham gia các chiến dịch giáo dục cộng đồng và khuyến khích người dân chủ động đi xét nghiệm HIV thường xuyên.