Từ nay đến 30/9/2023, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS, Dự án EPIC sẽ đẩy mạnh công tác tìm ca tại cộng đồng, tìm ca tại các cơ sở y tế, điều trị ARV, Lao/HIV; điều trị PrEP; đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm; nâng cao năng lực hệ thống…
TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Giám đốc dự án EPIC. Ảnh: Thùy Chi |
Ban Quản lý Dự án "Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS" (Dự án EPIC) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai dự án và hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm thứ 5.
Dự án EPIC do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Mục tiêu Dự án EPIC sẽ hỗ trợ Việt Nam: Xây dựng/áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95 ở 06 tỉnh ưu tiên được lựa chọn (nêu trên); Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị điều trị nhiễm HIV/AIDS thông qua việc xây dựng/áp dụng và mở rộng các mô hình, hoạt động đổi mới có liên quan đến điều trị nhiễm HIV/AIDS; Tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát trong phòng, chống HIV/AIDS và sử dụng dữ liệu HIV/AIDS của Việt Nam; Thể chế hóa và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
Các hoạt động chính của năm 2023 bao gồm: Tìm ca tại cộng đồng và cơ sở y tế; chăm sóc điều trị HIV/AIDS; điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP); nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm; theo dõi, đánh giá, giám sát; nâng cao năng lực hệ thống y tế (HSS); đáp ứng y tế công cộng; hợp đồng xã hội; hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh.
Theo số liệu thống kê của ban quản lý dự án EPIC, từ tháng 10/2022 đến hết tháng 4/2023, hoạt động tìm ca nhiễm mới HIV đạt tỉ lệ chuyển gửi thành công các ca đế các cơ sở điều trị HIV là 96%, khu vực phía Bắc chiếm 96%, khu vực phía Nam chiếm 95%; số bệnh nhân mới bắt đầu điều trị ARV là 1.267; hoạt động PrEP đạt 78%. Số khách hàng quay lại nhận thuốc PrEP ít nhất 1 lần trong kì là 4.180 khách hàng.
Ngoài ra, dự án cũng đang đẩy mạnh một số hoạt động khác về K=K, đối thoại cộng đồng, tập huấn, thí điểm hợp đồng xã hội… tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết. Ảnh: Thùy Chi |
TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Giám đốc dự án EPIC cho biết, cho đến nay nguồn kinh phí hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đã và đang là một trong những nguồn hỗ trợ lớn nhất tại Việt Nam. Nhằm chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh, các tỉnh, thành phố và các đơn vị triển khai dự án cần tận dụng nguồn lực quý giá này nhằm góp phần đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia.
Bs Minesh P Shah, đại diện CDC Hoa kỳ tại Việt Nam - Cố vấn cao cấp của tổ chức CDC Hoa Kỳ cho biết, dự án EPIC đã có những đóng góp rất lớn vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và tại các tỉnh dự án nói riêng thông qua các kết quả đạt được của các chương trình như điều trị PrEP, ARV, viêm gan C…do đó các tỉnh, thành phố triển khai dự án cần khẩn trương tăng tỉ lệ giải ngân trước khi chuyển sang năm cuối dự án.
Từ nay đến 30/9/2023, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS, Dự án EPIC sẽ đẩy mạnh công tác tìm ca tại cộng đồng, tìm ca tại các cơ sở y tế, điều trị ARV, Lao/HIV; điều trị PrEP; đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm; nâng cao năng lực hệ thống…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng; dự kiến hoàn thiện thủ tục đấu thầu để triển khai ký kết hợp đồng xã hội tại Bình Dương để bảo đảm các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng chống HIV.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin