Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngăn ngừa HIV

TNĐT 17:01, 25/09/2023

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một vaccine mới ngừa HIV. Chương trình thử nghiệm này được triển khai tại Mỹ và Nam Phi.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ đánh giá mức độ an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu của VIR-1388 đối với HIV. Ảnh minh họa
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ đánh giá mức độ an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu của VIR-1388 đối với HIV. Ảnh minh họa

Trong thông cáo báo chí đưa ra mới đây, NIH nêu rõ vaccine có tên gọi là VIR-1388. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ đánh giá mức độ an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu của VIR-1388 đối với HIV.

Vaccine VIR-1388 được thiết kế để hướng dẫn hệ miễn dịch của con người sản sinh ra các tế bào T có thể nhận biết một số protein của virus HIV và báo hiệu phản ứng miễn dịch nhằm ngăn chặn virus thiết lập sự lây nhiễm mạn tính.

Cuộc thử nghiệm do Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) và Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, được tiến hành tại 6 địa điểm ở Mỹ, 4 địa điểm ở Nam Phi, với sự tham gia của 95 người ở độ tuổi từ 18 đến 55 âm tính với HIV.

Những người tham gia sẽ được phân bổ ngẫu nhiên vào một trong 4 nhóm nghiên cứu: 3 nhóm sẽ được tiêm liều lượng vaccine khác nhau và một nhóm được tiêm giả dược.

NIH cho biết kết quả ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tiến hành một nghiên cứu phụ để theo dõi các tình nguyện viên trong tối đa 3 năm sau khi họ tiêm liều vaccine đầu tiên.

Ông Carey Hwang, Phó Chủ tịch cấp cao, Trưởng khoa Nhiễm trùng mạn tính của công ty Vir Biotechnology cho rằng, HIV vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng khi chưa có vaccine nào được phê duyệt dù đã nỗ lực nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Ông Carey Hwang nhấn mạnh, việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu để đánh giá vaccine VIR-1388 là một dấu mốc lâm sàng quan trọng trong quá trình phát triển vaccine ngừa HIV.

Theo báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, năm 2022, thế giới có 39 triệu người sống chung với HIV, 1,3 triệu người nhiễm mới HIV và 630.000 người chết vì các bệnh liên quan AIDS.

Trước đó, Viện nghiên cứu Scripps Research, Trung tâm Fred Hutchinson về ung thư, Viện Y tế Quốc gia Mỹ và một số tổ chức khác ở Mỹ và Thụy Điển cũng đã thử nghiệm để tìm ra loại vaccine HIV. Vaccine này có tên eOD-GT8 60mer có thể tạo ra các kháng thể trung hòa ở 97% tình nguyện viên.

Các kết quả thử nghiệm lâm sàng, được công bố đúng dịp Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm trước trên tạp chí Science, cho thấy hai liều vaccine, được tiêm cách nhau 8 tuần, có thể tạo ra phản ứng miễn dịch giúp chống lại HIV, virus gây suy giảm miễn dịch ở người, có khả năng dẫn đến bệnh AIDS đến nay chưa có thuốc chữa.

Kháng thể là các protein do hệ thống miễn dịch tạo ra để giúp chống nhiễm trùng và các kháng thể trung hòa được biết là có thể vô hiệu hóa nhiều biến thể di truyền của HIV, tuy nhiên, chúng rất khó tạo ra bằng cách tiêm vaccine.

Các nhà nghiên cứu nhận định việc "tìm hiểu cách tạo ra kháng thể trung hòa diện rộng chống lại mầm bệnh có tính đa dạng kháng nguyên cao như virus HIV, cúm, viêm gan C hoặc betacoronavirus, là một thách thức lớn đối với việc chế tạo vaccine hiện nay".