Đáp ứng y tế công cộng là chuỗi các hoạt động can thiệp, nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng đang gia tăng lây nhiễm hoặc tại một khu vực địa lý cụ thể được xác định có chùm lây nhiễm trong một thời gian nhất định.
Tư vấn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi |
Can thiệp kịp thời với các chùm lây nhiễm HIV
Việc triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đáp ứng chùm lây nhiễm HIV nhằm mục đích cắt đứt việc lây truyền HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng, đồng thời cũng dự phòng cho người chưa nhiễm HIV để không bị nhiễm HIV.
Ngành y tế yêu cầu việc triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV với các chùm lây nhiễm HIV cần được triển khai tùy vào đặc điểm hành vi, tình trạng nhiễm HIV, các dịch vụ dự phòng HIV hiện có và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đích: Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; Nhóm người chuyển giới; Nhóm người nghiện chích ma túy; Nhóm người sử dụng ma túy kích thích dạng Amphetamine (ATS); Quản lý bệnh lao ở người nhiễm HIV; Dự phòng HIV cho một số các nhóm đặc thù khác; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Kết nối chuyển gửi người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị HIV/AIDS, cần thực hiện ngay việc kết nối người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV dù là người nhiễm HIV lâu hay nhiễm mới, người mới phát hiện hay người nhiễm cũ chưa được điều trị thuốc ARV hay người đã điều trị nhưng bỏ trị với các CSĐT. Trường hợp người nhiễm HIV đang mắc bệnh nặng cần được đưa vào điều trị nội trú tại các cơ sở y tế theo chỉ định chuyên môn.
Nguyên tắc đáp ứng y tế công cộng là tất cả các bệnh nhân chẩn đoán nhiễm HIV đều nhận được gói dịch vụ chăm sóc và điều trị ngay sau khi được chẩn đoán. Bệnh nhân được chăm sóc và điều trị HIV/AIDS khi thực hiện đáp ứng với chùm lây nhiễm HIV dưới sự điều phối và chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh/thành phố và Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Các can thiệp trong khuôn khổ đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV được xây dựng dựa trên số liệu, các khoảng trống dịch vụ tại địa bàn có chùm lây nhiễm HIV.
Kiên Giang: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV
Là một trong 03 tỉnh triển khai thí điểm hoạt động này, Kiên Giang đã và đang rất tích cực đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV góp phần đạt mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Các hoạt động Kiên Giang đang tập trung triển khai, bao gồm: Thực hiện chặt chẽ về quy chế đáp ứng y tế về chùm ca bệnh, đẩy mạnh theo dõi tăng cường báo cáo số liệu; Tăng cường hoạt động tìm ca thông tư vấn bạn tình, bạn chích; thông qua qua mạng lưới xã hội SNS…; Tăng cường sử dụng dịch vụ PrEP với các quần thể đích; Tăng cường chuyển gửi kết nối điều trị ARV; Tăng cường các dịch vụ: duy trì điều trị liên tục, theo dõi tải lượng virus…; Củng cố hệ hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định tại Kiên Giang, quản lý chất lượng xét nghiệm….
Bác sĩ Giang Văn Tiên, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang cho biết, Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã giúp tỉnh Kiên Giang triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh, tăng cường tìm ca bệnh HIV, chú trọng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Theo bác sĩ Tiên, ghi nhận giám sát ca bệnh gần đây, trong số ca nhiễm HIV mới, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16-25 tuổi. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.
Hhiện nay hoạt động điều trị HIV/AIDS (ARV) được triển khai thực hiện tại 9 huyện, thành phố (Trung tâm Y tế Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Vĩnh Thuận) và 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi).
Hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai thực hiện tại 10 phòng khám là Cơ sở điều trị Methadone và các cơ sở điều trị thuốc ARV (trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi).
Đại diện Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam đã luôn đồng hành, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) có thể triển khai được dịch vụ điều trị ARV trong ngày, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nhiễm HIV nói riêng và cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Kiên Giang nói chung.
Điều trị ARV sớm đem lại rất nhiều lợi ích đối với người nhiễm HIV như hỗ trợ phục hồi hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan tới HIV. Từ ngày 14/1/2023, Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc đã triển khai dịch vụ điều trị ARV trong ngày cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn của đơn vị. Tính đến tháng 5/2023, Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc đã cung cấp dịch vụ điều trị ARV trong ngày cho 21 bệnh nhân.
Cần Thơ: Nhiều thành quả trong đáp ứng y tế công cộng với HIV/AIDS
Tình hình dịch HIV tại Cần Thơ gia tăng trong 5 năm gần đây. Số người nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu tập trung ở các quận, có sự gia tăng ở quận Ninh Kiều, Cái Răng, Cờ Đỏ, Phong Điền và Thới Lai. Số người nhiễm HIV mới phát hiện là MSM có chiều hướng gia tăng. Số người nhiễm HIV mới phát hiện đang trẻ hóa, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 16-25 tuổi. Số phát hiện nhiễm mới tập trung ở quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy.
Thạc sĩ Giáp Thanh Giang, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cho biết, trên địa bàn tỉnh đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa (số người nhiễm HIV mới phát hiện tập trung ở nhóm tuổi 16 – 25) và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy đã giảm rõ rệt, tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế với số người nhiễm mới là MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) chiếm 60%.
Với việc đẩy mạnh công tác tiếp cận, tư vấn, 100% bạn tình/bạn chích của người nhiễm HIV được tư vấn, từ đó họ tham gia xét nghiệm và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Hiện Cần Thơ có 1.925 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó 1.622 người lần đầu tiên điều trị. Tỉ lệ chuyển gởi thành công đạt 82%.
Một trong những thành quả nổi bật khác của Cần Thơ là: 90% người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV sau khi phát hiện; hơn 90% bệnh nhân đang điều trị có tải lượng HIV thấp hơn 1.000 bản sao/ml (nếu tải lượng HIV của bệnh nhân dưới 200 bản sao/ml thì đối tượng sẽ không lây nhiễm cho người khác qua quan hệ tình dục).
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Giáp Thanh Giang, khó khăn là người nhiễm phát hiện mới tại các bệnh viện thường bị mất dấu do công tác trả kết quả xét nghiệm chậm, nên không tư vấn được bạn tình/bạn chích và chuyển gởi tham gia điều trị. Chưa thống nhất quy trình chuyển gởi tại các bệnh viện. Một số phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện thu thập không đầy đủ thông tin, đối tượng, đường lây của khách hàng nên khó khăn trong công tác chuyển gửi điều trị và phân tích tình hình dịch HIV. Đặc biệt, tình trạng hết sinh phẩm xét nghiệm HIV và nhiễm mới, tải lượng virus; máy xét nghiệm bị hư, khiến việc gởi mẫu đi xét nghiệm gặp khó khăn.
Năm 2023, Cần Thơ đẩy mạnh thực hiện chuỗi can thiệp toàn diện gồm tiếp cận, truyền thông giảm nguy cơ, cung cấp vật dụng dự phòng, tăng cường xét nghiệm HIV, tìm ra các chùm ca nhiễm mới; thực hiện chuyển gởi điều trị ARV, PrEP và ước tính quần thể nguy cơ; tư vấn hỗ trợ duy trì điều trị ARV/PrEP trong nhóm MSM và các nhóm nguy cơ cao khác và bạn tình của họ tại các địa bàn trọng điểm. Triển khai điều trị Lao/HIV, viêm gan C và các bệnh không lây nhiễm;…
Với các chỉ tiêu cụ thể: Tiếp cận, xét nghiệm HIV cho 1.000 khách hàng (KH) nguy cơ cao (MSM, Tiêm chích ma tuý, mại dâm và bạn tình). Trong đó: 1.000 sinh phẩm tự xét nghiệm được cấp phát; 700 khách hàng được xét nghiệm tại cơ sở y tế (tự đến); 300 KH được xét nghiệm thông qua PNS/SNS). Phát hiện 350 ca HIV(+) mới (phát hiện lần đầu). Tăng tỉ lệ khách hàng HIV(+) được kết nối thành công điều trị ARV từ 82% lên 90%. Tăng tỉ lệ KH HIV(+) được kết nối thành công điều trị ARV trong ngày từ 8,6% lên 30%. 80% khách hàng HIV(+) mới phát hiện đồng ý tham gia dịch vụ PNS/SNS. 30% khách hàng HIV(-) qua PNS/SNS được kết nối thành công điều trị PrEP. 97,5% bệnh nhân ARV duy trì điều trị trong mỗi quý. Tăng tỉ lệ khách hàng PrEP duy trì điều trị ít nhất 3 tháng từ 70% lên 80%.
Chủ động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV
Mới đây, để triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV tại tỉnh năm 2023 – 2024, tỉnh Cao Bằng vừa bố trí trên 2,5 tỉ cho các hoạt động ưu tiên: Mở rộng các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các tuyến y tế cơ sở tuyến xã, phường, thị trấn ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện; mở rộng và duy trì các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn có nhiều người nghiện chích ma túy; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, mở rộng các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng đối với các địa bàn có nhiều người nhiễm của các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh; nghiên cứu triển khai mô hình PrEP. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch đối với các huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lạc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Các giải pháp Cao Bằng tập trung chủ yếu là nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về chủ động giám sát và cảnh báo dịch sớm; củng cố và mở rộng công tác tư vấn xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế nhà nước và xét nghiệm HIV trong cộng đồng; tăng cường và mở rộng cơ sở điều trị ARV/điểm cấp phát thuốc cho bệnh nhân thuộc các khu vực điểm nóng; tăng số điểm cấp phát bơm kim tiêm, tăng cường cấp phát BCS đối với người có nguy cơ cao tại các điểm nóng (thôn/xóm); tăng cường và mở rộng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho các khu vực có nguy cơ cao; dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng là vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV; bổ sung và nâng cao năng lực cho các viên chức tham gia phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến.
Các giải pháp về các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong chùm lây nhiễm: Giảm lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy; tăng số người nghiện chích ma túy điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; dự phòng lây nhiễm cho vợ/chồng/bạn tình người nghiện chích ma tuý nhiễm HIV; truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ cho nhóm quan hệ tình dục không an toàn; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho người nghiện chích ma tuý (điều trị bằng thuốc ARV), điều trị nhiễm trùng cơ hội, các STI (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục), chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiêm phòng viêm gan B…).
Tăng cường các giải pháp kịp thời đáp ứng với những chùm lây nhiễm
PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, một trong những nỗ lực góp phần vào những thành tựu đạt được của chương trình phòng, chống HIV/AIDS là sự triển khai thành công chương trình đáp ứng y tế công cộng ở những tỉnh có tình hình dịch mới nổi, đáp ứng với những chùm lây nhiễm kịp thời.
PGS. TS. Phạm Đức Mạnh cho biết, để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai tốt các hoạt động đáp ứng y tế công cộng. Một số địa phương được triển khai thí điểm đã rất tích cực, có trách nhiệm và rất hiệu quả trong công tác chuẩn bị triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV.
Mặc dù trong thời gian đầu, việc triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Cục Phòng, chống HIV/AIDS có hướng dẫn tạm thời về triển khai đáp ứng y tế công cộng với chum lây nhiễm HIV, việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đã được mở rộng thêm tại các tỉnh, thành phố khác như Sóc Trăng, Đồng Tháp.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PEPFAR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện đáp ứng y tế công cộng và đã đạt được những kết quả nhất định như Cần Thơ, Kiên Giang. Tuy nhiên, cũng còn nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thực tiễn.
TS. Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia của Trung tâm Kiểm saots Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đối với các chùm lây nhiễm tại Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo TS. Eric Dziuban, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, luôn đưa ra những giải pháp, áp dụng có hiệu quả để kiểm soát và sớm kết thúc đại dịch vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo TS. Eric Dziuban, để làm tốt công tác này hơn nữa, cần phải tập trung vào một số nguyên tắc như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đáp ứng được nhu cầu thay đổi của cộng đồng người nhiễm HIV và quần thể đích; luôn luôn bảo đảm trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, phải sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất; tập trung hỗ trợ các tỉnh thành, cộng đồng để nhân rộng các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS để mang lại hiệu quả cao và tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động các phòng xét nghiệm và hệ thống dữ liệu.
Nhận xét về công tác triển khai đáp ứng y tế công cộng tại Cần Thơ, TS. Eric Zdiuban đánh giá cao thành quả của Cần Thơ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Cần Thơ trong các hoạt động như hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, phối hợp tập huấn, tăng cường năng lực cho Cần Thơ và nhân viên y tế từ thành phố đến cơ sở, cùng lực lượng đồng đẳng viên; Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hệ thống phòng xét nghiệm và các cơ sở điều trị HIV.
TS. Eric Dziuban cho rằng, Cần Thơ cần tăng cường hoạt động giám sát và theo dõi số liệu, đặc biệt là công tác quản lý, giám sát quá trình điều trị ARV đối với các bệnh nhân nhiễm HIV, chẳng hạn việc cấp phát thuốc, theo dõi tải lượng virus,… TS. Eric Dziuban hy vọng, Cần Thơ sẽ là điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống AIDS và Cần Thơ sớm đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS của Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin