Trong 10 tháng đầu năm 2023, tại Hà Nội, số nhiễm HIV mới phát hiện được là 364 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tăng tốc hơn, triển khai những giải pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn. Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê đến 31/10/2023, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố là 21.991 trường hợp, trong đó 7550 trường hợp đã tử vong và 14.441 trường hợp nhiễm còn sống. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống của Hà Nội chiếm 6,5% tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống của cả nước. 100% quận, huyện, thị xã có người nhiễm HIV. Quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, chiếm đến 50,2% tổng số trường hợp nhiễm HIV của thành phố.
Các trường hợp mới phát hiện trong 10 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là nam giới (82,7%), lây truyền qua đường tình dục (53%), đường máu (10,4%), không có thông tin về đường lây (36,1%).
Số người mắc HIV mới được phát hiện chủ yếu ở lứa tuổi từ 25-49 (57,1%) và 15-25 tuổi (30,2%). Nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV là hai nhóm có số mới phát hiện nhiều nhất trong 10 tháng qua và chiếm tỉ lệ lần lượt là 32,4% và 18,4%, nhóm nghiện chích ma túy chỉ còn 10,4%.
Về kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95, tính đến 31/10/2023, có 70,4% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý, tăng 2,2% so với năm 2022. Thực hiện chỉ tiêu điều trị ARV, số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV là 13.448/14.441 (93,1%).
Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế/tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus là 7541/7695 (98%). Tỉ lệ này tương đương với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 98,6%).
Về công tác triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 13 cơ sở, có 8361 khách hàng được sử dụng ít nhất 01 lần dịch vụ PrEP đạt 98,3% kế hoạch.
Đối với công tác duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 23 cơ sở (19 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 04 cơ sở thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý), hiện đang điều trị cho 4.962 bệnh nhân, (đạt 93,6% so với chỉ tiêu giao).
Ngành Y tế Hà Nội đang duy trì các hoạt động chuyên môn về quản lý người nhiễm HIV/AIDS, giám sát trọng điểm trên nhóm nam nghiện chích ma túy; xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị ARV cho người nhiễm. Đồng thời, chương trình phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, cơ sở y tế quận, huyện, thị xã triển khai mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng, tìm người nhiễm HIV đưa vào điều trị.
Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tăng tốc hơn, triển khai những giải pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn. Hà Nội sẽ chú trọng đẩy mạnh chiến dịch truyền thông cùng với các hoạt động truyền thông thường xuyên về phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, đẩy mạnh việc phát miễn phí qua tuyên truyền viên đồng đẳng, các hộp bơm kim tiêm cố định, cộng tác viên, cơ sở xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS.
Đôn đốc, giám sát thực hiện chỉ tiêu người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone giao theo kế hoạch năm 2023; giám sát quy trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế tại các cơ sở điều trị Methadone; thiết lập mạng lưới tiếp cận và tìm kiếm ca bệnh từ cộng đồng dân cư, hướng dẫn và theo dõi đôn đốc mạng lưới này hoạt động hiệu quả; tổ chức rà soát, nắm chắc số bệnh nhân nhiễm HIV chưa được điều trị bằng ARV và chuyển gửi tất cả các bệnh nhân đã được khẳng định nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị theo quy định.
Bên cạnh đó, thiết lập, kiện toàn và vận hành hệ thống các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên địa bàn thành phố, bao gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tại bệnh viện, trong các cơ sở khép kín; tổ chức xét nghiệm phát hiện HIV theo các hình thức cố định và lưu động; xét nghiệm HIV không do nhân viên y tế thực hiện, tự xét nghệm… tại các xã, phường, thị trấn và các thôn, làng, khu phố trên địa bàn thành phố.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin