Bệnh lao ít nhận được sự chú ý hơn HIV, mặc dù đây là là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở người nhiễm HIV, với hơn 1/4 số ca tử vong liên quan đến HIV (167.000) trực tiếp do bệnh lao.
Để phòng ngừa bệnh lao đồng nhiễm HIV, người nhiễm HIV cần có thái độ sống tích cực, lành mạnh và giữ tinh thần ở trạng thái lạc quan, vui vẻ. Ảnh minh họa |
Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới, với 10,6 triệu người mắc bệnh lao có triệu chứng nặng trong năm 2022 và 1,3 triệu người chết vì bệnh này. Bệnh lao chỉ đứng sau COVID-19, đã gây tử vong cho 6,95 triệu người trong năm 2022, và hơn nhiều so với 630.000 người chết vì HIV.
Thông thường có nhiều người nhiễm lao tiềm ẩn hơn bệnh lao hoạt động. Ngoài ra, sự phát triển của bệnh lao hoạt động có thể ngăn ngừa hiệu quả bằng cách điều trị bằng 1 hoặc 2 loại thuốc điều trị lao. Với những người nhiễm HIV ở các nước thu nhập cao, đặc biệt là không đến từ các khu vực có tỉ lệ lây nhiễm HIV hoặc lao cao, sẽ ít được xét nghiệm bệnh lao một cách có hệ thống và sẽ không có cơ hội dùng thuốc phòng ngừa bệnh lao nếu có bệnh lao tiềm ẩn.
Một nhóm nghiên cứu Hà Lan đã tiến hành phân tích tổng hợp dữ liệu trong các nghiên cứu về bệnh lao ở người nhiễm HIV ở các khu vực có thu nhập cao, cụ thể ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Úc cho thấy: Gần 1/4 dân số trên toàn cầu nhiễm trùng lao tiềm ẩn. Người dân có thể mắc bệnh lao ở bất kỳ độ tuổi nào và tỉ lệ lây nhiễm hàng năm trên toàn cầu khoảng 0.8%, trong đó những người trên 50 tuổi thường có bệnh lao tiềm ẩn cao gấp đôi những người dưới 20 tuổi.
Mặc dù bệnh lao tiềm ẩn không phải là hiếm thấy ở các nước có thu nhập cao nhưng tập trung nhiều vào những nước có thu nhập trung bình và thấp. Cụ thể, các nghiên cứu về dân số nói chung cho thấy 1% người sinh ra ở Mỹ mắc bệnh lao tiềm ẩn, so với 13% người không sinh ra tại Mỹ.
Ở Úc, các số liệu thậm chí còn sai lệch, với 0,4% người Úc mắc bệnh lao tiềm ẩn so với 17% người sinh ra ở nước ngoài. Trong phân tích tổng hợp, có 51 nghiên cứu bao gồm 65.930 người nhiễm HIV. Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh lao tiềm ẩn là 12%, dao động từ khoảng 6% ở Úc đến khoảng 13.5% ở Bắc Mỹ. Tỉ lệ mắc bệnh lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể trong những năm gần đây trong các nghiên cứu đã tiến hành trước và sau năm 2010 với con số khoảng 14% và 8%.
Về tỉ lệ hiện mắc bệnh lao, chỉ 8-10% số người mắc bệnh lao tiềm ẩn tiếp tục phát triển thành bệnh lao hoạt động, đặc biệt là 5% trong hai năm đầu sau nhiễm bệnh. Hút thuốc và HIV là những yếu tố tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo WHO ước tính tỉ lệ mắc bệnh lao hoạt động trong dân số nói chung là dưới 10/100.000 người mỗi năm ở hầu hết các quốc gia Tây Âu. Ở Trung và Đông Âu, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, 29/100.000 ở Lithnuania, 46/100.000 ở Nga và 64/100.000 ở Romania.
Trong nghiên cứu với quy mô lớn của tạp chí The Lancet HIV từ năm 2015, tỉ lệ mắc bệnh lao hoạt động ở những người nhiễm HIV tại Anh là 6,70/1000 người một năm. Ở người gốc Phi cận Sahara, với tỉ lệ là 13,6/1000 người và 1,7/1000 ở người Anh trắng. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm xuống còn 1,9/1000 ở người gốc Phi khi họ đang điều trị HIV và 0,5/1000 ở người gốc Anh trắng, mặc dù vẫn cao hơn bảy lần so với tỉ lệ mắc bệnh trong dân số Anh trắng chung.
Trong phân tích tổng hợp hiện tại, chỉ có 7 nghiên cứu tập trung vào tỉ lệ mắc bệnh lao hoạt động, trong số 10.629 người nhiễm HIV.
Về điều trị dự phòng bệnh lao, chỉ có năm nghiên cứu báo cáo về những người mắc bệnh lao tiềm ẩn đã được điều trị phòng ngừa lao. Các nhà nghiên cứu xác định tỉ lệ mắc bệnh lao hoạt động là 65/1000 mỗi năm ở những người không sử dụng điều trị dự phòng bệnh lao và 6/1000 người có sử dụng, tương đương với hơn 90% hiệu quả.
Mặc dù hướng dẫn của WHO khuyến nghị sàng lọc tất cả những người nhiễm HIV để phát hiện lao, nhưng trên thực tế điều, này không phải lúc nào cũng được thực hiện. Ví dụ, vào năm 2017, một cuộc khảo sát tại Anh cho thấy chỉ có 57% các phòng khám HIV thực hiện sàng lọc bệnh lao.
Để phòng ngừa bệnh lao đồng nhiễm HIV, người nhiễm HIV cần có thái độ sống tích cực, lành mạnh và giữ tinh thần ở trạng thái lạc quan, vui vẻ. Cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng điển hình ở bệnh lao như ho, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm. Thăm khám, tầm soát định kỳ bệnh lao; bảo đảm dinh dưỡng và điều trị thuốc kháng virus ARV theo đúng quy định, chỉ định của bác sĩ.
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.
Ngoài ra, Chương trình phòng chống lao quốc gia đã nỗ lực duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỉ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện nay 51 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi.
Ngoài ra, tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công - tư chuyển đến trong 9 tháng năm 2023 là 26.300 bệnh nhân (chiếm 33,4%). Như vậy việc phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế cho thấy rõ hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin