Trong 2 ngày 28 và 29/5, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức đưa đoàn phóng viên thuộc các cơ quan báo chí Trung ương đi thực tế viết bài về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho người dân về công tác phòng, chống HIV, đồng thời huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, số nhiễm HIV lũy tích trên địa bàn tỉnh là 7.813 trường hợp, 2.263 trường hợp đã tử vong do AIDS, 100% xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV và hơn 85 % số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Hiện địa phương đang điều trị ARV cho 3.134 bệnh nhân. Trong đó, 3.012 người trong tỉnh (96,10%) và 122 người điều trị ngoài tỉnh (3,89%).
Số bệnh nhân HIV đang điều trị có BHYT chiếm 97,93%; một số ít trường hợp chưa có BHYT do đang là can phạm tại Trại giam trong tỉnh, BHYT hết hạn chưa kịp mua gia hạn mới hoặc đang mua chưa kịp gia hạn, bệnh nhân mới vào điều trị chưa kịp mua BHYT.
BS. Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp cho biết, nhìn chung, tình hình nhiễm mới HIV trên địa bàn có xu hướng giảm, tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn, nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tỉ lệ lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục gia tăng, chiếm 98%. Đặc biệt sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Số trường hợp trẻ dưới 15 tuổi phát hiện nhiễm HIV không quá 30 trẻ mỗi năm. Những năm gần đây số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV giảm đáng kể do đẩy mạnh triển khai chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và hiệu quả thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con qua dự án Qũy Toàn cầu và chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.
Hiện nay hệ thống từ tuyến tỉnh đến tuyến xã có 172 điểm cung cấp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và theo ước tính một năm tỉnh Đồng Tháp đã cứu được hơn 40 cháu không bị nhiễm đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, dòng họ. Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV được đánh giá là chương trình nhân văn, nhân đạo. Chương trình cũng làm giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con từ trên 30% trước năm 2005 xuống 5% năm 2012 và 0% năm 2021.
Về công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, so với chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao cho tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone là 100 bệnh nhân, tuy nhiên hiện tại Đồng Tháp đang điều trị cho 151 bệnh nhân đạt tỉ lệ 151%. Tỉ lệ đáp ứng điều trị là 100% trên tổng số bệnh nhân hiện tham gia điều trị (151 có đáp ứng với điều trị trên 151 bệnh nhân đang tham gia điều trị).
Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên Đồng Tháp vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển giao bệnh nhân và điều phối ARV: giai đoạn chuyển giao thuốc ARV nguồn viện trợ sang nguồn BHYT đã ổn định mặc dù năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) dự trù thuốc ARV nguồn BHYT. Việc mới triển khai các phòng OPC tuyến huyện (từ tháng 11 năm 2021) nên kinh nghiệm của cán bộ về tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân và dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế.
Các phóng viên phỏng vấn bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật . Số lũy tích HIV+ tiếp tục tăng cao, hơn 2.800 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có trên 350 HIV+ mới và gần 40 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao quan trọng là nhóm MSM…
Do đó, trong thời gian tới Đồng Tháp đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ can thiệp giảm hại trong nhóm MSM; tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng; tập trung đẩy mạnh các hoạt động để phấn đấu đạt được 100% bệnh nhân HIV có BHYT…
Bên cạnh đó, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS; tỷ lệ nguồn tài chính trong nước đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin