Bảo đảm cung ứng thuốc bền vững cho bệnh nhân nhiễm HIV

Theo Tiengchuong.vn 13:54, 18/06/2024

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ có buổi làm việc với Đại sứ quán Australia và Tổ chức Y tế thế giới để bảo đảm đủ nguồn cung thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV. 

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tình trạng thiếu thuốc điều trị ARV khiến cho nhiều người nhiễm HIV rất lo ngại bị gián đoạn điều trị. Theo thông tin từ nhiều địa phương, một tháng gần đây, nhiều bệnh nhân HIV nhóm đã điều trị ổn định thay vì được nhận đủ thuốc ARV sử dụng trong ba tháng thì chỉ được nhận thuốc dùng một tháng, thậm chí hai tuần.

Trước tình hình này, tại buổi gặp mặt chí, cung cấp thông tin cho báo chí nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) tại buổi chiều 17/6, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế cho biết, ngày 20/6 tới đây, sẽ diễn ra Lễ bàn giao thuốc ARV cho Bộ Y tế Việt Nam từ Chính phủ Australia trong hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là sự kiện hết sức quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh công tác mua sắm thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn.

Trong bối cảnh có một số khó khăn trong việc mua sắm thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV thì việc WHO hỗ trợ thuốc Acriptega - một loại thuốc ARV phác đồ bậc 1 ưu tiên là rất cần thiết cho công tác điều trị người bệnh HIV hiện nay.

Đây là khoản viện trợ phi dự án do WHO hỗ trợ cho Việt Nam dưới hình thức hàng viện trợ. Việc mua sắm, đấu thầu thuốc này do WHO trực tiếp thực hiện. Đây là thuốc đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha. Đơn vị này chịu trách nhiệm phân phối thuốc đến 5 tỉnh/thành phố gồm Bến Tre, Cần Thơ, Hà Nội, TPHCM và Thanh Hóa.

Lượng thuốc này được sử dụng để điều trị cho người bệnh HIV tại 5 tỉnh/thành phố và các tỉnh/thành phố khác theo quyết định điều phối của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm về hướng dẫn sử dụng thuốc đúng mục đích, an toàn; hướng dẫn các đơn vị triển khai, phân phối tới đúng đối tượng hưởng lợi, bảo đảm hiệu quả, không bị chồng chéo, trùng lắp và đúng các quy định chuyên môn hiện hành, không được bán thuốc viện trợ ra thị trường.

Hiện nay Bộ Y tế đang quyết liệt thúc đẩy việc mua sắm thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế và vừa hoàn thành việc đàm phán giá thuốc ARV đợt 1.

Dự kiến từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ có 14,5 triệu viên thuốc được cung cấp để điều trị cho người bệnh HIV. Số thuốc còn lại sẽ được đấu thầu tập trung cấp quốc gia, để kịp thời nối tiếp bảo đảm người nhiễm HIV đang điều trị không bị gián đoạn thuốc.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV do bảo hiểm y tế chi trả.

Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Thuốc Acriptega là thuốc viên kết hợp phác đồ tối ưu điều trị nhiễm HIV. Hiện nay, có khoảng 85% người bệnh đang sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả.

Đến tháng 12/2023, toàn quốc có 178.941 người bệnh HIV đang điều trị thuốc ARV, trong số này có 176.232 người lớn và 2.709 trẻ em. Người nhiễm HIV hiện đang được điều trị ARV tại 522 cơ sở y tế ngoài cộng đồng, trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tỉ lệ người bệnh điều trị có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì ở mức cao trên 95% qua các năm. Năm 2023, tỷ lệ này là 98%. Điều này thể hiện hiệu quả điều trị ARV ở mức độ tốt. Tỉ lệ duy trì điều trị thuốc ARV tại Việt Nam luôn đạt kết quả tốt, tính đến tháng 9/2023 đạt 97,1%.

Điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV cần liên tục, suốt đời và người bệnh HIV cần tuân thủ điều trị tốt. Hiệu quả điều trị thuốc ARV không chỉ làm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV mà còn làm giảm nhiễm HIV mới, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng điều trị ARV trong ngày, điều trị ARV nhanh cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện; đồng thời tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình mua sắm thuốc ARV, nhằm duy trì cung ứng thuốc, bảo đảm điều trị bền vững cho bệnh nhân HIV/AIDS.