Đẩy mạnh y tế tư nhân trong công tác tìm ca nhiễm HIV

Theo Tiengchuong.vn 14:15, 03/06/2024

Nhờ đẩy mạnh y tế tư nhân trong công tác tham gia phát hiện tìm ca nhiễm HIV và đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại, tỉnh Đồng Tháp đã khống chế và kiểm soát tốt tình hình lây nhiễm dịch HIV trên địa bàn. 

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Ảnh: Thùy Chi
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Ảnh: Thùy Chi

Giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV nhờ hiệu quả điều trị dự phòng PrEP

Gần một năm trước, N.V.H (sinh năm 1990) ở Đồng Tháp bàng hoàng khi phát hiện bạn tình của mình nhiễm HIV - đúng thời điểm khi cả hai bàn nhau cùng rời TPHCM về Đồng Tháp lập nghiệp. H. gần như chết lặng, mang theo một nỗi sợ vô hình khi được tư vấn đi xét nghiệm HIV.

Khi đi xét nghiệm HIV, H. nhận được tờ kết quả xét nghiệm là âm tính, nhưng bác sĩ nói H. phải điều trị PrEP (dự phòng lây nhiễm HIV) để tránh lây nhiễm HIV.

H. chia sẻ, thời điểm đó, H. đã từng nghĩ sẽ chia tay bạn tình, nhưng "nhìn bạn ấy quá thương", H. không nỡ. Sau đó, hai người vẫn sống chung với nhau, mưu sinh bằng nghề bán nước ép hoa quả ở xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

H. cho biết, một năm qua sống cạnh bạn tình là người nhiễm HIV nhưng H. vẫn âm tính với HIV do H. tuân thủ các tư vấn của bác sĩ về uống PrEP và sử dụng bao cao su. 3 tháng một lần, H. và bạn chạy từ An Long chừng hơn 10km về Trung tâm Y tế huyện Tam Nông khám, xét nghiệm, lấy thuốc.

"Mỗi lần test lại là một lần hồi hộp. Em cũng sợ lắm chứ. Nhưng một năm qua tuân thủ đúng quy định uống thuốc Prep, em thấy mình vẫn an toàn. Em nghĩ mình cứ chung tình với bạn của mình thôi, đó là một cách bảo đảm an toàn cho mình", H. cho hay.

H. là một trong nhiều trường hợp điều trị PrEP hiệu quả, sống an toàn với bạn tình nhiễm HIV mà không bị lây nhiễm HIV tại Đồng Tháp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết, trong 10 năm gần đây, mỗi năm tỉnh phát hiện khoảng 397 trường hợp nhiễm HIV, trong đó năm 2019 lên tới 416 trường hợp. Từ năm 2013 đến nay số trường hợp nhiễm HIV dao động không quá 500 trường hợp, nhưng đến các năm gần đây có chiều hướng tăng lên do được sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, tỉnh đẩy mạnh tiến hành mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường thị trấn, ngoài cộng đồng thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên,…

Số trường hợp chuyển AIDS và tử vong có sự biến đổi đáng kể, năm 2013 số trường hợp chuyển AIDS và tử vong cao nhất lần lượt là 390 và 203 trường hợp.

"Năm 2013 tử vong do AIDS đến 203 người, nhưng 10 năm sau, con số này giảm mạnh chỉ còn 69 người. Trên thực tế số trường hợp chuyển AIDS, tử vong giảm rõ rệt nói lên hiệu quả của thuốc điều trị kháng virus (ARV) đóng góp rất lớn. Các trường hợp khi được phát hiện nhiễm HIV nhanh chóng đưa vào điều trị trong ngày. Đây là thành quả điều trị ARV ở Đồng Tháp", bác sĩ Đoàn cho hay.

Tại Đồng Tháp, số ca nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở thành thị và vùng biên giới, như Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung, huyện biên giới Hồng Ngự... Những năm qua, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm đáng kể. Hàng năm, có trên 95% thai phụ được xét nghiệm tầm soát HIV. Vì thế, từ năm 2020-2023, không có trường hợp con lây HIV từ mẹ. Tỷ lệ ca nhiễm mới từ nghiện chích ma túy cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm 99%.

BS. Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC Đồng Tháp) cho biết, điều rất đáng quan ngại tại tỉnh Đồng Tháp thời gian gần đây, đó là nhóm từ 15-24 tuổi nhiễm HIV tăng nhanh so với 10 năm trước đó. Trên 85% ca nhiễm HIV nằm trong nhóm tuổi từ 15-29. Tình hình dịch HIV/AIDS tại Đồng Tháp có tương đồng giữa các tỉnh với đồng bằng sông Cửu Long, đó là số ca nhiễm mới trong nhóm MSM tăng mạnh. "Năm 2017, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục không an toàn, chủ yếu trong nhóm MSM chiếm 94,4% và đến năm 2023 tăng lên 99,1%", ông Quý cho hay.

Ngành y tế tỉnh Đồng Tháp xác định việc tăng cường giám sát nhóm MSM, phát hiện sớm đưa vào điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (Prep), cắt đứt nguồn lây là mục tiêu quan trọng để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới Đồng Tháp đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

80% khách hàng duy trì điều trị ở y tế tư nhân

Những năm gần đây, Đồng Tháp nhân rộng mô hình sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Việc xét nghiệm sàng lọc HIV hiện có ở tất cả các cơ sở y tế nhà nước và bệnh viện tư nhân trong tỉnh, kể cả các trạm y tế xã, phường. Trong đó, tuyến xã, phường tập trung xét nghiệm tầm soát cho phụ nữ mang thai.

Chia sẻ về những điểm sáng của Đồng Tháp những năm gần đây, ông Đoàn cho hay, Đồng Tháp hiện đang có 12 phòng khám sàng lọc, trong đó có 2 phòng khám công lập và 10 cơ sở tư nhân; có 7 cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định HIV gồm: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện khu vực Hồng Ngự, Bệnh viện khu vực Tháp Mười, Trung tâm y tế Thanh Bình, Trung tâm Y tế Tam Nông, Trung tâm Y tế Lấp Vò. Toàn tỉnh có 1 nhóm CBO (đồng đẳng viên) là nhóm S66_Lotus; 3 nhóm giáo dục viên đồng đẳng.

"Hiện nay, tại tỉnh Đồng Tháp, hầu hết những người MSM có nguy cơ đang điều trị PrEP tại các cơ sở y tế tư nhân. 80% khách hàng duy trì điều trị ở y tế tư nhân, cao hơn ở y tế công vì người dân có thể đi khám ngoài giờ, cuối tuần và họ không phải dè chừng sợ gặp người quen tại cơ sở y tế công. Tỉ lệ đóng góp vào điều trị PrEP của y tế tư nhân là 66%. Đồng Tháp chọn mô hình y tế tư nhân vì khách hàng đề xuất và một số cơ sở y tế có tâm huyết tham gia chương trình", ông Đoàn phân tích.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác tập huấn cho nhóm MSM trên địa bàn. Ảnh: Thùy Chi
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác tập huấn cho nhóm MSM trên địa bàn. Ảnh: Thùy Chi

Khách hàng muốn đến tư nhân vì những nơi này làm việc ngoài giờ, cả ngày lễ, cuối tuần, nên phù hợp với những người làm việc nhà nước hay công ty có thể đến bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, khách hàng chọn y tế tư nhân chính là yếu tố bảo mật và bệnh nhân có thể chia sẻ vấn đề liên quan đến tình trạng bệnh tật. Hơn nữa, dịch vụ của phòng khám tư nhân tốt hơn của y tế công. Khi khách hàng có lịch tái khám, nhân viên y tế tư nhân sẽ gọi điện nhắc nhở chu đáo.

Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp cho biết thời gian tới, CDC tỉnh cũng mong muốn sớm tập huấn cho 1.007 phòng khám tư nhân và 2.135 nhà thuốc trên toàn tỉnh để những người này tham gia vào cộng đồng khống chế dịch HIV/AIDS.

Hiện CDC tỉnh đang đề xuất cho một cơ sở y tế tư nhân được xét nghiệm khẳng định HIV để triển khai điều trị trong ngày. Bên cạnh đó, đề xuất sớm xây dựng được Phòng khám và điều trị PrEP tại khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho công nhân được cấp phát thuốc tại chỗ.

Nhận thấy vai trò của tư nhân vô cùng quan trọng, CDC Đồng Tháp đã tập huấn để các cơ sở này làm xét nghiệm trong cộng đồng và tổ chức các phòng khám PrEP. Khi phát hiện trường hợp nếu dương tính với HIV, các cơ sở y tế tư nhân sẽ hướng dẫn người mắc HIV đến 1 trong 7 cơ sở nhà nước để xét nghiệm khẳng định.

Đồng thời, CDC tỉnh đang đề xuất cho một cơ sở y tế tư nhân được xét nghiệm khẳng định HIV để triển khai điều trị trong ngày. Bên cạnh đó, đề xuất sớm xây dựng được Phòng khám và điều trị Prep tại khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho công nhân được cấp phát thuốc tại chỗ.