Giải quyết nỗi lo thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV

Theo Tiengchuong.vn 14:29, 17/06/2024

Theo các chuyên gia, người nhiễm HIV bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị và duy trì điều trị thường xuyên, suốt đời. Nếu không tuân thủ nguyên tắc điều trị hay điều trị gián đoạn sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh tiến triển, tăng khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, thậm chí chuyển sang AIDS.

Cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Gần 179 ngìn người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV. Trong năm 2023, phát hiện 13.445 trường hợp HIV dương tính mới, 1.623 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh là 234.220 trường hợp. Kể từ đầu dịch đến nay đã có 114.195 người nhiễm HIV tử vong.

Về điều trị thuốc kháng HIV (ARV), hiện có 534 cơ sở y tế điều trị HIV trên toàn quốc trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do bảo hiểm y tế chi trả. Số người bệnh HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tiếp tục tăng. Đến hết 31/12/2023, toàn quốc có 178.928 người, trong đó có 2.709 trẻ em và 154.539 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả, chiếm 86,4%. Với kết quả trên, tỉ lệ người nhiễm HIV được phát hiện được điều trị ARV (chỉ tiêu 90 thứ hai) đạt 80%.

Trong số bệnh nhân đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV. 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 cho rằng, khi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì người nhiễm HIV gần như không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Trong khi đó, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục hiện đang là con đường lây nhiễm HIV chính ở Việt Nam. Điều này cho thấy, việc mở rộng và duy trì điều trị ARV bảo đảm chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình tự mua sắm thuốc điều trị HIV nên thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố lo lắng nguy cơ có thể bị gián đoạn thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Việc này khiến nhiều bệnh nhân nhiễm HIV lo lắng bị gián đoạn thuốc sẽ nguy cơ tiến triển tình trạng bệnh.

Là bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc ARV suốt 5 năm qua, chị N.T.H (42 tuổi) ở Yên Bái cho biết, chị cảm thấy rất lo lắng khi trung tâm y tế nơi chị lĩnh thuốc hằng tháng thông báo có thể hết thuốc trong tháng 8. Thay vì nhận đủ thuốc ARV sử dụng trong 3 tháng như mọi khi thì chị chỉ nhận được thuốc dùng cho một tháng.

Việc này khiến cho chị H. và nhiều bệnh nhân nhiễm HIV khác đang sinh hoạt chung trong câu lạc bộ đều lo lắng. Bởi suốt nhiều năm nay, chị H. điều trị bệnh ổn định, sức khỏe chị đã được cải thiện nhiều. Nhờ đó, cuộc sống chị cũng được cải thiện vì đã kiếm được công việc làm ổn định. Do đó, chị H. mong rằng nguồn thuốc sẽ được bảo đảm để chị được tiếp tục điều trị.

Tương tự trường hợp của anh T.H.L. 35 tuổi ở Khánh Hòa, anh L. cho biết thời gian gần đây thay vì được phát thuốc 3 tháng/1 lần thì anh được phát thuốc 1 tháng/1 lần. Anh L. cho biết thuốc điều trị HIV do bảo hiểm chi trả. Nếu hết thuốc anh sẽ phải tìm mua nguồn thuốc bên ngoài với giá 1 triệu đồng/1 tháng. Nếu không mua thuốc điều trị thì anh L. lo ngại sức khỏe sẽ bị suy sụp.

Giống như anh L., chị H., ở Hải Phòng cũng đang rất hoang mang lo lắng. Là bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc ARV, chị H. chia sẻ những ngày qua chị rất hoang mang khi nghe thông tin nguồn thuốc điều trị bị gián đoạn.

"Chúng tôi có mạng lưới trên cả nước, mọi người thường xuyên chia sẻ thông tin với nhau. Gần một tháng nay nhiều người ở TPHCM, Kiên Giang… cũng nói chỉ lĩnh được thuốc uống trong một tháng và được thông tin về việc có thể vài tháng tới sẽ thiếu thuốc.

Người bệnh HIV nếu không duy trì thuốc sẽ có nguy cơ bệnh tiến triển, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vì vậy ai cũng lo lắng. Bên cạnh đó, việc lĩnh thuốc một tháng/lần cũng khiến nhiều người gặp khó khăn, họ phải xin nghỉ làm, mất công đi lại để lĩnh thuốc. Mong rằng sẽ sớm có thuốc cung ứng trở lại để những bệnh nhân HIV an tâm điều trị", chị H. nói.

Điều tiết nguồn cung ứng, bảo đảm điều trị bền vững cho bệnh nhân HIV

BS. Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm bệnh tật Khánh Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.530 bệnh nhân nhiễm HIV đang được quản lý. Có 4 cơ sở thực hiện điều trị ARV cho gần 1.230 bệnh nhân, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh.

BS. Tôn Thất Toàn cho biết, do HIV là bệnh mạn tính nên người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn hàng ngày để ức chế virus. Việc sử dụng thuốc ARV phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Nếu sử dụng không đúng phác đồ điều trị có thể gây ra các tác dụng phụ và làm giảm hiệu quả điều trị. Do đó, bệnh nhân HIV/AIDS nên tuân thủ chế độ uống thuốc đều đặn và thường xuyên đi khám để được bác sĩ theo dõi sức khỏe.

Bên cạnh đó, cần sử dụng thuốc ARV đúng cách thì chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV được cải thiện, có khả năng lao động và làm việc như người bình thường.

Ngoài ra, điều trị bằng thuốc ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác, nhất là làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục, từ mẹ sang con.

Theo BS. Tôn Thất Toàn, nếu bỏ điều trị hoặc uống thuốc không đều sẽ không ức chế được vi rút, làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng cơ hội từ nhẹ đến nặng, có thể tử vong. Nguy hiểm hơn, việc tự ý điều trị không đúng phác đồ gây tình trạng nguy cơ kháng thuốc cao trong cộng đồng, từ đó làm tăng nguy cơ lây lan chủng kháng thuốc.

Theo BS. Tôn Thất Toàn cho biết, tại Khánh Hòa, do cơ chế đấu thầu nên nguy cơ thiếu thuốc điều trị ARV ở các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Từ năm 2024, Dự án Quỹ toàn cầu không hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV đang điều trị ARV, do đó nguồn kinh phí mua thẻ sẽ sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đến nay, nguồn kinh phí này chưa được duyệt cũng là một rào cản trong việc duy trì điều trị ARV liên tục cho bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

"Chúng tôi mong muốn có sự chung tay của các cấp, ngành sớm giải quyết những vướng mắc nêu trên để công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh được duy trì, triển khai tốt trong thời gian tới", BS. Tôn Thất Toàn kiến nghị.

Đưa ra giải pháp giải quyết nguy cơ thuốc thuốc điều trị ARV trong thời gian tới, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua Cục đã nhận được thông tin từ các tỉnh, thành phố như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang, Vĩnh Long… về nguy cơ gián đoạn thuốc ARV bảo hiểm y tế điều trị người bệnh HIV và khó khăn trong quá trình tự mua sắm thuốc Tenofovir disoproxil fumarat -Lamivudin-Dolutegravir 300/300/50mg (TLD) và Tenofovir disoproxil fumarat -Lamivudin-Efavirenz 300/300/400mg (TLE400) điều trị người bệnh HIV.

Nhằm bảo đảm duy trì điều trị ARV cho người bệnh HIV trong thời gian chờ thuốc TLD và TLE400 được mua từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát, điều tiết cung ứng thuốc ARV điều trị người bệnh HIV/AIDS.

Ngay khi nhận được thông tin, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có hướng dẫn các tỉnh, thành phố điều tiết cấp phát thuốc cho người bệnh. Trước đây, nếu bệnh nhân điều trị ổn định có thể lĩnh thuốc 3 tháng/lần thì trong tình trạng đang thiếu thuốc chỉ cấp 1 tháng/lần. Với tỉnh, thành phố còn lượng thuốc ít hơn có thể cấp 2 tuần/lần với người bệnh ở gần.

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cần hướng dẫn điều chuyển người bệnh đang điều trị HIV có thẻ bảo hiểm y tế từ cơ sở hết thuốc bảo hiểm y tế sang cơ sở còn thuốc bảo hiểm y tế. Không để tình trạng người bệnh gián đoạn thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế trong khi tồn kho trên toàn địa bàn vẫn còn.

Bên cạnh đó, các đơn vị điều tiết thuốc ARV nguồn dự án Quỹ toàn cầu tài trợ giữa các cơ sở y tế trên địa bàn để điều trị cho người bệnh HIV đáp ứng tiêu chuẩn nhận thuốc ARV do Quỹ toàn cầu tài trợ.

"Cục cũng tìm kiếm thêm nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức. Hiện đã có nguồn viện trợ và dự kiến tuần sau thuốc sẽ về đến Việt Nam. Cục sẽ điều phối, cấp phát cho các địa phương "gối đầu", cho đến khi hoàn thiện công tác mua sắm", PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho hay.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết thêm, nguy cơ gián đoạn nguồn cung là do điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Hiện Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đang gấp rút tiến hành hoàn thiện thủ tục mua sắm. 

Trao đổi với ông Lê Thành Công, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cho biết, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán thuốc ARV. Dự kiến trong khoảng 1 tuần nữa sẽ có 1,8 triệu viên thuốc ARV. Thuốc ARV sẽ tiếp tục về sau đó để bảo đảm điều trị liên tục và bền vững cho các bệnh nhân HIV đang điều trị.