Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV/AIDS

Theo Tiengchuong.vn 15:35, 20/08/2024

Việc tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS của khu vực tư nhân mang lại nhiều thế mạnh, góp phần bảo mật và khả năng tiếp cận. Ngoài ra, còn có một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Xét mghiệm HIV trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Xét mghiệm HIV trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV

Thời gian qua, Chính phủ luôn ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, trong đó nhấn mạnh các chính sách và giải pháp về đa dạng nguồn lực tài chính cho chương trình HIV. Đồng thời, đề cao tăng cường sự tham gia đóng góp và đầu tư của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS; mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm là một phần trong các nỗ lực ứng phó với HIV.

Để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có kế hoạch hướng dẫn sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV nhằm hỗ trợ triển khai Chiến lược Chấm dứt dịch bệnh AIDS của Chính phủ Việt Nam vào năm 2030; cung cấp các chỉ số đo lường chính và lộ trình thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân.

Để bảo đảm bền vững kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, Đồng Nai là địa phương đầu tiên thông qua kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhằm tăng cường cự tham gia của khu vực tư nhân, Sở Y tế Đồng Nai đã phối hợp với Dự án USAID/PATH STEPS khởi động kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025.

 Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (Sở Y Tế Đồng Nai) đã tổ chức họp nhóm Hỗ trợ kĩ thuật Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với chủ đề về mở rộng thị trường cung ứng cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV.

Đại diện Sở Y Tế Đồng Nai cho biết, ngành y tế tỉnh đã thành lập Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai. Nhóm chính thức hoạt động nhằm tạo cơ chế phản hồi giúp thúc đẩy sự tham gia của các bên khu vực công và tư trong việc trao đổi và tìm ra các giải pháp, cơ chế nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào thị trường hàng hóa và dịch vụ HIV trên địa bàn tỉnh.

Bà Dương Thuý Anh, Phó Chánh văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, việc Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước thông qua kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp hàng hóa, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là bước đầu thành công cho khu vực tư nhân - đối tác trong công tác phòng chống HIV/AIDS khi nguồn lực nước ngoài ngày càng cắt giảm.

Trong thời gian tới Đồng Nai sẽ tăng cường chuỗi cung ứng và thương mại cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, đặc biệt tập trung vào 3 yếu tố: Tăng cường sự sẵn có của sản phẩm và hệ thống phân phối thông qua các kênh truyền thống và phi truyền thống; Chiến lược giá phù hợp với mức độ chi trả của nhóm đích; Đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị, quảng bá và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tiếp cận được khách hàng đích một cách hiệu quả.

Tăng cường hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân

TPHCM là địa phương được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế ưu tiên đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (nghĩa là 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của họ; 95% những người được chẩn đoán dùng thuốc điều trị HIV và 95% những người được điều trị ức chế virus) vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ nguồn thuốc ARV miễn phí ngày càng giảm, TPHCM đã hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm Y tế và hỗ trợ đồng chi trả cho người nhiễm HIV từ năm 2019 đến nay. TPHCM có khoảng trên 51.500 người nhiễm HIV đang được quản lý, trong đó hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng virus HIV. Hiện trên địa bàn thành phố 45 cơ sở điều trị ARV.

Đối với mục tiêu 95-95-95, TPHCM đã đạt 93% so với mục tiêu 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ. 92,4% so với mục tiêu 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục. 98,4% so với mục tiêu 95% số người điều trị ARV kiểm soát được tải trọng virus ở mức ổn định.

Về công tác điều trị PrEP, TPHCM có 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với khoảng 14.000 khách hàng sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Chương trình này được thí điểm triển khai với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. TPHCM thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm hại, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS dưới sự hỗ trợ của Dự án USAID/PATH STEPS.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung thúc đẩy hoạt động này, tăng cường chuỗi cung ứng và thương mại cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV tại TPHCM, đặc biệt tập trung vào mục tiêu tăng cường sự sẵn có của sản phẩm và hệ thống phân phối thông qua các kênh truyền thống và phi truyền thống và nỗ lực đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị, quảng bá và truyền thông tạo cầu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tiếp cận được khách hàng đích một cách hiệu quả.

Ths. BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc triển khai các hoạt động cung ứng hàng hóa và dịch vụ HIV tại TPHCM. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung thúc đẩy hoạt động này, thành lập ban soạn thảo và nhóm hỗ trợ kĩ thuật để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch PSE, nhằm đưa ra chiến lược cụ thể, bền vững các hoạt động, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM.

Bảo đảm tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS

Tại An Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế tỉnh An Giang) vừa khởi động Kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân của tỉnh An Giang trong đầu tư và cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026.

Ông Huỳnh Minh Trí, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết, kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp sản phẩm, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2024-2026 (Kế hoạch PSE) gồm 2 mục tiêu chính: Huy động, tăng cường tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ HIV, tăng ít nhất 10% đến cuối 2026; Hoàn thiện công cụ theo dõi, đánh giá sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, cung cấp sản phẩm và dịch vụ phòng chống HIV ở tỉnh.

Theo kế hoạch, tỉnh An Giang sẽ triển khai các hoạt động chính bao gồm: Đánh giá hằng năm về việc triển khai Kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trên địa bàn tỉnh An Giang; Nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân; Truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng tính tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ HIV do khu vực tư nhân cung cấp; Đánh giá các mô hình hiệu quả do khu vực tư nhân triển khai tại tỉnh An Giang; Xây dựng hệ thống theo dõi đánh giá và thu thập thông tin về tham gia đầu tư và cung cấp sản phẩm và dịch vụ HIV/AIDS tại địa phương; Tổ chức hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết hàng năm đánh giá sự tham gia của khu vực tư nhân.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là một định hướng, mục tiêu mới nhằm bảo đảm tính bền vững của chương trình, đặc biệt khi nguồn hỗ trợ quốc tế cho chương trình giảm dần. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao tính chủ động và tinh thần quyết của tỉnh An Giang khi nhanh chóng xây dựng và ban hành kế hoạch PSE, nhằm huy động khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện Tổ chức PATH tại Việt Nam, đánh giá cao sự tham gia và hợp tác của các đối tác tư nhân, như các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, các phòng khám tư, phòng khám cộng đồng, các công ty dược và TTB y tế và chuỗi nhà thuốc trong việc góp phần xây dựng, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của thị trường sản phẩm và dịch vụ HIV do khu vực tư cung cấp. Đại diện Tổ chức PATH cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang và các đối tác tư nhân đưa ra các sáng kiến, giải pháp mới để thúc đẩy hợp tác giữa khu vực nhà nước với tư nhân, giữa các đối tác tư nhân để đóng góp cho việc triển khai hiệu quả kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Từ nay đến cuối năm 2024, ngành y tế tỉnh An Giang sẽ tập trung thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật về PSE và tổ chức họp định kỳ; xây dựng tiêu chí, chỉ số thu thập và đánh giá về sự tham gia của khu vực tư nhân; Lập danh sách các đơn vị tư nhân và tìm hiểu khả năng, nhu cầu trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ HIV/AIDS; tổ chức các cuộc họp hợp tác trong cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV.

Trong giai đoạn 2024-2026, Sở Y tế tỉnh An Giang sẽ phối hợp với các đối tác tư nhân để tìm hiểu nhu cầu, thảo luận cơ hội phát triển các hình thức hợp tác công - tư nhằm mở rộng thị trường thương mại cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV và các sản phẩm dịch vụ khác trong lĩnh vực HIV/AIDS.

Sở Y tế cam kết sẽ hỗ trợ và phối hợp với các đối tác tư nhân trong việc phát triển và mở rộng thị trường thương mại cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, cũng như các sản phẩm dịch vụ khác trong lĩnh vực HIV/AIDS. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư nhân, các đối tác quốc tế trong việc tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai.

Trong hơn thập kỷ qua, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Đây là những kết quả hết sức ấn tượng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Việc tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS của khu vực tư nhân mang lại nhiều thế mạnh, góp phần bảo mật và khả năng tiếp cận. Bởi mặc dù phải trả phí cho dịch vụ và thuốc men, nhiều người nhiễm HIV/các nhóm nguy cơ cao vẫn chọn khu vực tư nhân để điều trị vì tính bảo mật, riêng tư, khả năng tiếp cận dễ dàng, thời gian mở cửa linh hoạt, ít thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi ít, cán bộ y tế thân thiện, ít phán xét, tôn trọng bảo mật thông tin và danh tính của người bệnh.

Cụ thể, như dự phòng, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, xét nghiệm và điều trị viêm gan virus, dịch vụ tự xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho những người sống chung với HIV…

Ngoài ra, còn có một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Để bảo đảm nguồn lực tài chính nhằm kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, tự chủ các nguồn lực tài chính trong nước thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên bên cạnh việc vận động, huy động nguồn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa từ người sử dụng dịch vụ, các cá nhân, tổ chức và khu vực tư nhân cần được triền khai và mở rộng nhằm duy trì cung cấp bền vững dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV. Thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên đặc biệt để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.