Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi từ 15-34 tuổi, chiếm gần 50% số trường hợp nhiễm mới HIV.
Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM tại Đồng Nai - Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Tỉ lệ nhiễm HIV mới trong nhóm MSM tăng mạnh và trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của CDC Đồng Nai, tính đến 14/9, tình hình dịch HIV tại tỉnh Đồng Nai có gần 6.600 người nhiễm HIV còn sống được quản lý, số người nhiễm HIV mới được phát hiện mỗi năm dao động từ 600-900 người; tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 9% trong các đối tượng nhiễm. Các quần thể nguy cơ chính gồm nhóm: tiêm chích ma túy (TCMT 27%), nam MSM (51%), phụ nữ bán dâm (PNBD 21%).
Qua kết quả giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm qua các năm, dịch HIV tại tỉnh Đồng Nai đang ở giai đoạn dịch tập trung. Trong 3 năm từ năm 2020-2023 số ca mới phát hiện giảm dần từ 1.017 ca (năm 2020) xuống còn 612 ca (năm 2023).
Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng giảm chững lại, số người phát hiện mới từ nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và vợ, chồng của nhóm này giảm; tuy nhiên nhóm người nhiễm HIV phát hiện trong nhóm nam giới MSM trẻ tuổi từ 15-34 tuổi đang gia tăng chiếm gần 50%. Đường lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn so với đường máu.
Trong thời gian qua, để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong cộng đồng, CDC Đồng Nai đã triển khai đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phối hợp với các doanh nghiệp xã hội tổ chức nhiều buổi truyền thông về HIV cho công nhân, học sinh trong các khu công nghiệp, trường học; đồng thời thực hiện truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau như đăng tải trên trang web, mạng xã hội...
Các hoạt động can thiệp giảm hại được đẩy mạnh, hiện tại trên địa bàn có 5 nhóm Doanh nghiệp xã hội hỗ trợ tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao như: TCMT, MSM, PNBD.
Ngoài ra, 2 đơn vị huyện Long Thành và Thống nhất đang tuyển thêm 6 tiếp cận viên cộng đồng nhón NCMT. Trong 9 tháng đầu năm giai đoạn mới của Quỹ toàn cầu 2024-2026, hoạt động can thiệp giảm tác hại cấp phát bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm do dự án VUSTA hỗ trợ.
Hoạt động tư vấn xét nghiệm được thực hiện thường xuyên, hiện có phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở 11 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực; 4 phòng xét nghiệm khẳng định.
Sử dụng thuốc PrEP để phòng ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm MSM
Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành y tế Đồng Nai đã xét nghiệm cho gần 65 nghìn người, trong đó phát hiện mới 340 người nhiễm HIV. Nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV trong nhóm MSM, ngành y tế tỉnh đã đẩy mạnh công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, với nhiều hình thức đa dang dạng và sáng tạo.
Hiện địa phương có 12 phòng khám điều trị dự phòng PrEP, trong đó 4 phòng khám đặt tại cơ sở y tế công, 4 cơ sở đặt tại trạm y tế, 2 phòng khám tư nhân do cộng đồng dẫn dắt, 2 phòng khám đa khoa tư nhân. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh còn thực hiện PrEP lưu động, PrEP từ xa...
BS. Vũ Thị Ngọc, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết, hiện có hơn 2.900 khách hàng đang sử dụng thuốc PrEP nhằm dự phòng lây nhiễm HIV. Trong đó, nhóm đối tượng đồng tính nam chiếm 84%, độ tuổi nhiều nhất từ 20-43 tuổi. Hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV của thuốc PrEP có thể lên đến 90% nếu sử dụng đúng cách.
PrEP được chỉ định dùng cho những người không nhiễm HIV. Trước khi sử dụng thuốc, khách hàng cần xét nghiệm HIV để đảm bảo điều này.
Hiện có 2 cách sử dụng PrEP. Đó là PrEP hàng ngày và PrEP tình huống. PrEP hàng ngày phù hợp với người thuộc bất kỳ giới tính nào, uống mỗi ngày 1 viên, uống hàng ngày để tránh lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục hoặc tiêm chích. Cách này dành cho những người có khả năng phơi nhiễm với HIV thường xuyên hoặc không thể đoán trước được.
Cách thứ 2 là PrEP tình huống. Cách này chỉ dành cho nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Cách sử dụng là uống 2 viên thuốc, từ 2-24 giờ trước khi có khả năng phơi nhiễm HIV qua đường tình dục và sau đó tiếp tục uống 1 viên mỗi ngày cho đến 2 ngày sau lần tiếp xúc tình dục cuối cùng của họ.
BS CKI Trần Lê Viết Thanh, Giám đốc y khoa Hệ thống Glink Việt Nam cho hay, tại Đồng Nai, Glink đang là phòng khám có số khách hàng mới sử dụng thuốc PrEP nhiều nhất. Để tạo thuận lợi cho khách hàng, ngoài việc cung cấp thuốc PrEP trực tiếp tại phòng khám, Glink còn phối hợp với các tổ chức cộng đồng để tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao nhận thức cho những người có yếu tố nguy cơ cao. Mỗi tháng, đơn vị tổ chức cung cấp thuốc PrEP cho khách hàng mới hoặc khách hàng tái khám định kỳ, tránh tình trạng khách hàng e ngại mà không sử dụng thuốc dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Không chỉ được tuyên truyền, khách hàng khi tham dự các buổi tư vấn sẽ được xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, kiểm tra chức năng thận định kỳ theo đúng quy trình của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Nếu phát hiện khách hàng dương tính HIV, phòng khám Glink sẽ giới thiệu họ đến các cơ sở y tế công lập để xét nghiệm khẳng định và hướng dẫn điều trị.
BS. Trần Lê Viết Thanh cảnh báo, đối với học sinh, sinh viên, công nhân lao động trẻ cần có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, nên tìm hiểu các kiến thức về an toàn tình dục để tránh nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn.
TS.BS Trần Minh Hòa, Giám đốc CDC Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh có số dân nhập cư cao vì vậy việc quản lý bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù thời gian qua Đồng Nai đã triển khai được nhiều hoạt động về công tác phòng chống HIV/AIDS tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ. Trên thực tế những con số báo chí là tảng băng nổi, thực chất nó còn cao hơn nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới ngành y tế tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh các hoạt động để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin