HIV và câu chuyện của người trong cuộc

Thu Hằng 23:34, 20/10/2024

Đau khổ, muốn buông xuôi… là tâm trạng nhiều người đã trải qua khi nhận kết quả dương tính với HIV. Rồi chuỗi ngày sau đó, họ luôn phải sống trong lo lắng, buồn tủi; người thân liên lụy. Nhưng rồi, bằng nghị lực, trách nhiệm sống của bản thân, sự động viên của gia đình, quan tâm của xã hội…, họ đã từng bước vượt qua, sống có ích, trở thành điểm tựa cho những người thân yêu và những người cùng cảnh ngộ.

Chị Đ.T.T.H và anh T.N.H chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại.
Chị Đ.T.T.H và anh T.N.H chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại.

Trong vai trò đại diện Hội Phụ nữ xã đưa một số chị em có nguy cơ của địa phương đi xét nghiệm HIV, chị Đ.T.T.H, năm nay đã sắp bước sang tuổi 50, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) không thể tin mình lại là người có H.

Chị chậm rãi kể cho chúng tôi câu chuyện của gần 20 năm về trước: Hôm đó, 3 người được chị đưa đi làm xét nghiệm đều có kết quả, riêng chị thì không. Bác sĩ giải thích là đến lượt chị máy bị hỏng nên hẹn thứ 2 đến làm lại. Khi đó, chị không nghĩ ngợi gì và cũng đã quay trở lại theo lịch hẹn. Rồi, khi cầm kết quả dương tính, bác sĩ lại động viên, rằng có thể là do có sự nhầm lẫn nên để biết chính xác thì sau 3 tháng kiểm tra lại mới khẳng định được. Chị vẫn tin, bản thân sẽ không sao. Lần xét nghiệm tiếp theo, chị được chị dâu đưa đến. Lần này vẫn là dương tính. “Tôi thực sự sốc. Tai ù đi, còn chị dâu thì khóc vì thương tôi. Tôi không nói năng gì mà lẳng lặng ra lấy xe, chạy một mạch về nhà đưa 2 con, một lên 7, một mới 10 tháng tuổi sang làm xét nghiệm”.

Chị H. nhớ lại: Khi đó, trong đầu tôi không hiểu sao bỗng nảy ra suy nghĩ rất tiêu cực. Nếu một trong 2 đứa con bị nhiễm, tôi sẽ lao vào ô tô. Nhưng thật may, các con tôi đều khỏe mạnh. Ngoài chị dâu và chị gái, trong nhà, tôi không dám nói cho bất cứ ai biết về tình trạng bệnh của mình. Còn về phía chồng tôi, khi biết chính mình đã đổ bệnh cho vợ, anh ấy đã rơi vào trạng thái chán nản, suy sụp, buông xuôi… Trong lúc nỗi sợ hãi, buồn tủi còn chưa nguôi ngoai, thì vô tình, danh tính của tôi lại bị một cán bộ y tế thôn bản của xóm tiết lộ. Lúc này, con gái tôi đi nhà trẻ đã bị cô giáo và các bạn kỳ thị, khiến cháu phải chơi và ở một mình, mặc dù tôi đã chứng minh bằng kết quả xét nghiệm, cháu khỏe mạnh bình thường.

Nhà chị làm chè nên sẵn thuốc sâu. Đã một vài lần, chị có ý định cầm chai thuốc ra sau đồi để kết thúc cuộc sống, nhưng cứ sau mỗi lần vào nhìn 2 con đang ngủ lần cuối thì chị lại không thể làm được… Đến giờ, con trai chị đã đi làm được 6 năm, con gái cũng đã tốt nghiệp THPT, đang đi học tiếng nước ngoài để tìm cơ hội sang Đài Loan du học. Chị bảo, giờ trời bắt chết thì tôi phải chịu, chứ chẳng bao giờ còn suy nghĩ dại dột đó nữa. Ngoài niềm vui bởi sự trưởng thành của 2 đứa con, chị H. còn có niềm vui riêng. Sau nhiều năm chồng mất, giờ chị đã có người để bầu bạn. Điều đáng nói là bạn trai chị không hề có H. Gia đình hai bên đều biết biết về hoàn cảnh của nhau và rất ủng hộ.

Không là nạn nhân như chị H., anh T.N.H. sinh năm 1980, cũng ở huyện Đồng Hỷ vì ham chơi mà sa vào nghiện ma túy lúc nào không hay. Vào thời điểm đó, những người nghiện thường tiêm chích chung bơm kim tiêm. Vì thế, khi một “bạn nghiện” của anh trong lần đi chữa bệnh phát hiện nhiễm HIV, thì anh H. đã hiểu rằng, bản thân khó tránh khỏi căn bệnh này. Dù vậy, anh vẫn không đủ can đảm để đi làm xét nghiệm, mà phải hơn 2 năm sau, anh mới chịu thừa nhận sự thật đó. Rồi từ nghiện, anh đi bán ma túy và bị lĩnh án 5 năm tù. Sau 4 năm 2 tháng, do cải tạo tốt, anh được tha trước thời hạn. Khi này, nhìn bố mẹ đều làm nghề giáo, đã vì mình mà phải về hưu sớm vì tủi hổ, rồi lại vì mình mà phải thăm nuôi con trong tù… anh đã tự nhủ, phải quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời, để được sống với bố mẹ nhiều hơn. Giờ thì bố mẹ anh đã không phải bận tâm về anh như trước.

Anh H. chia sẻ: Từ ngày được uống Methadol cùng với điều trị thuốc dự phòng ARV, sức khỏe của tôi đã dần ổn định. Tôi thấy bản thân thật may mắn. Tôi đã bắt đầu giảm liều để lấy lại sức khỏe và tải lượng vi-rút HIV trong máu của tôi nhiều năm nay đã ở ngưỡng không phát hiện. Như để chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, những năm qua, anh H. rất tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, như tuyên truyền về tác hại của ma túy; cách đề phòng và sống chung với người có H… Đặc biệt, để có thể tự lo được cuộc sống hàng ngày, anh H. đã chăn nuôi tại nhà. Thời gian trước, anh nuôi chim cảnh, chó cảnh, còn giờ thì đang duy trì đàn thỏ 60-70 con, lúc cao điểm là 80-90 con và khoảng 100 con gà. Có những người muốn đến với anh, trong đó có cả những người không có H. nhưng anh sợ không chăm lo được cho họ nên chưa dám mở lòng.

Còn nhiều lắm những câu chuyện của những người có H. đã vượt qua nghịch cảnh để trở lại cuộc sống bình thường. Hầu hết trong số họ từ chỗ suy sụp đã dần lấy lại sự cân bằng và trở thành những người sống có ích. Nhiều người cũng đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, do được điều trị dự phòng từ trong bụng mẹ…

Bác sĩ Phạm Mạnh Cường, Phó trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDV Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Lũy tích đến tháng 9-2024, toàn tỉnh có 9.339 người nhiễm HIV (có 503 người ngoài tỉnh). Số người còn sống hiện là 4.552, trong số này có 4.056 người đang điều trị thuốc ARV. Giờ đây, xã hội cũng đã cởi mở hơn với những người có H nên nhiều người đã mạnh dạn công khai danh tính của mình. Đáng mừng là số trường hợp phát hiện mắc mới năm sau có xu thế giảm hơn năm trước. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi trăn trở hiện nay đó là đối tượng nhiễm mới lại đang có xu hướng dịch chuyển từ những người nghiện ma túy thông qua con đường tiêm chích sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Chúng tôi đang rất nỗ lực để cùng chung tay chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh AIDS vào năm 2030.


Từ khóa:

HIV

câu chuyện

người trong cuộc