Người nhiễm HIV nguy cơ mắc lao cao gấp 19 lần

Theo Tiengchuong.vn 08:55, 29/11/2024

Bác sĩ CKII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, người nhiễm HIV nguy cơ mắc lao cao cấp hơn 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. Vì vậy, người nhiễm HIV cần thiết phải được chuẩn đoán đồng nhiễm lao.

Điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Hơn 30% bệnh nhân đồng nhiễm lao trong hơn 40 triệu người nhiễm HIV

Theo số liệu thống kê, năm 2023, trong hơn 40 triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới đang còn sống thì có tới hơn 30% đồng nhiễm lao. Chỉ tính riêng ở người nhiễm HIV, hằng năm đã tăng thêm khoảng 1,5 triệu bệnh nhân lao. Điều đáng nói là, tỉ lệ tử vong do lao chiếm hơn 30% số tử vong ở bệnh nhân AIDS.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Nguy hiểm là tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc đứng thứ 13 trong số 30 nước cao nhất thế giới. Đây là một gánh nặng không chỉ cho người bệnh mà cho cả ngành y tế và cho toàn xã hội... Vì vậy cần phát hiện vấn đề này bằng xét nghiệm để chẩn đoán.

Với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3957/QÐ-BYT ngày 23/9/2015 xây dựng Mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV và lao, góp phần giảm chi phí trong quản lý và điều trị người bệnh.

Mục đích của việc lồng ghép là làm giảm lây nhiễm vi khuẩn lao và HIV; giảm tỉ lệ số người bệnh mắc và chết do lao, do HIV và do các bệnh liên quan HIV; cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở; tăng cường quản lý những trường hợp đồng nhiễm lao và HIV theo tiêu chí lấy người bệnh là trung tâm.

Theo bác sĩ CKII Trần Thị Kim Anh, trước khi xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV cho các bệnh nhân lao, cần tư vấn với hình thức phù hợp tùy theo từng đối tượng và điều kiện cụ thể như: tư vấn theo nhóm gồm nhóm phạm nhân, can phạm; nhóm học viên các trung tâm chữa bệnh, dạy nghề...; tư vấn cho từng cá nhân; nên sử dụng tờ rơi tuyên truyền... trong quá trình tư vấn.

Nội dung tư vấn cần căn cứ vào sự tìm hiểu về tiền sử thực hiện xét nghiệm chẩn đoán HIV của người bệnh và các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV; giải thích lý do và lợi ích của việc xét nghiệm HIV để chẩn đoán, điều trị và dự phòng đối với người bệnh.

Các thông tin cần được cung cấp cho người bệnh như: Người mắc bệnh lao cũng có khả năng bị nhiễm HIV, việc chẩn đoán HIV sớm và điều trị thích hợp bệnh lao và nhiễm HIV sẽ cho kết quả tốt hơn điều trị lao đơn thuần; xác nhận tính tự nguyện và bảo mật của xét nghiệm chẩn đoán HIV; khẳng định việc từ chối xét nghiệm HIV sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người bệnh đối với những dịch vụ khám chữa bệnh khác; giới thiệu về dịch vụ chuyển tiếp nếu như kết quả xét nghiệm là dương tính với HIV; đồng thời giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người bệnh.

Đối với xét nghiệm chẩn đoán HIV được thực hiện khi người bệnh đồng ý, họ sẽ ký một bản cam kết và bản cam kết này được lưu lại trong hồ sơ người bệnh. Máu của người bệnh được thu thập và gửi đến cơ sở y tế có khả năng thực hiện test sàng lọc tại các đơn vị PITC thuộc chương trình chống lao.

Nếu test sàng lọc có kết quả dương tính, mẫu máu sẽ được tiếp tục gửi đến phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV gần nhất thực hiện. Thông thường kết quả sẽ có khoảng 7 - 10 ngày sau khi mẫu máu được gửi xét nghiệm.

Tùy theo kết quả xét nghiệm cuối cùng, nhân viên y tế nơi tư vấn sẽ căn cứ vào kết quả âm tính hay dương tính để tiếp tục tư vấn cho người mắc bệnh lao. Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV âm tính, cần thông báo cho người bệnh biết kết quả xét nghiệm; tư vấn giúp người bệnh hiểu đúng về kết quả xét nghiệm và ý nghĩa của giai đoạn cửa sổ, đồng thời khuyên người bệnh nên xét nghiệm lại sau 6 đến 12 tuần ở một trung tâm tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện nếu nghi ngờ có yếu tố nguy cơ.

Phải tư vấn cho người bệnh về nguy cơ lây nhiễm HIV và biện pháp dự phòng, kể cả khuyên bạn tình của họ cần được xét nghiệm chẩn đoán HIV; ngoài ra giới thiệu chuyển tiếp người bệnh đến các dịch vụ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV nếu họ có yêu cầu.

Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV dương tính, phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV cho người bệnh biết, giải thích cho người bệnh về kết quả xét nghiệm; cần hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người bệnh; tư vấn cho người bệnh hiểu về sự cần thiết của việc chăm sóc và điều trị HIV, thông tin các dịch vụ hỗ trợ sẵn có tiếp theo cho người bệnh.

Tư vấn các việc cần thiết ngay cho bệnh nhân như tiếp tục điều trị bệnh lao, dự phòng các bệnh lây truyền cho bản thân và người thân; trao đổi với người bệnh cách tiết lộ kết quả HIV dương tính cho vợ, chồng, người thân... và động viên tư vấn những người này nên thực hiện xét nghiệm HIV tự nguyện.

Đồng thời giới thiệu, hội chẩn với cơ sở điều trị, tạo điều kiện chuyển tiếp người bệnh đến các dịch vụ chăm sóc HIV để được đăng ký điều trị bằng thuốc ARV (antiretroviral) sớm nhất nếu có thể và điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazol.

Ngoài ra sau khi giới thiệu cũng cần theo dõi hỗ trợ tiếp tục để chắn chắn người bệnh tiếp cận được dịch vụ. Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV không xác định được, cần giải thích để giúp người bệnh hiểu đúng về kết quả xét nghiệm; hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người bệnh; tư vấn về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; đồng thời hẹn thời gian xét nghiệm lại sau 14 ngày.

Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm lao

Ông Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tính đến tháng 10/2024, toàn quốc phát hiện gần 270.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 11.000 ca nhiễm mới, 1.263 ca tử vong. Hơn 68% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM, độ tuổi 15-29 chiếm tỉ lệ lớn. Nam giới nhiễm HIV vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm mới hằng năm.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.

Chương trình điều trị ARV tại Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế với những thành tựu cụ thể như: Tỉ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%; Tỉ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%; Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm HIV/Lao; Tất cả người bệnh đang điều trị ARV đều được sàng lọc viêm gan C, và những người nhiễm virus viêm gan C được điều trị với tỉ lệ khỏi bệnh đạt trên 96% (với thuốc điều trị do Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ).

Gần đây, các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần.

Công tác quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tăng cường, bao gồm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.

Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV, bao gồm tư vấn công khai tình trạng nhiễm HIV và hướng dẫn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục tại các cơ sở điều trị.

Trong thời gian tới, các giải pháp về chính sách và hướng dẫn, chuyên môn kỹ thuật, cung ứng thuốc và sinh phẩm, bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều trị HIV, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và góp phần vào mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Để giảm gánh nặng lao ở người nhiễm HIV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một số biện pháp can thiệp then chốt:

Thứ nhất, xét nghiệm HIV cho tất cả bệnh nhân lao. Việc xác định tình trạng HIV sớm giúp bệnh nhân được tiếp cận kịp thời với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán và điều trị thích hợp. Năm 2018, 64% bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn chưa đạt mục tiêu 100% của WHO.

Thứ hai, cung cấp sớm liệu pháp kháng retrovirus (ART) cho người nhiễm HIV mắc lao càng sớm càng tốt. Việc điều trị ART sớm giúp giảm 44-71% nguy cơ tử vong ở nhóm bệnh nhân này. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tương tác thuốc và độc tính khi kết hợp thuốc kháng lao và kháng HIV.

Thứ ba, sàng lọc lao cho người nhiễm HIV mỗi lần đến cơ sở y tế. Việc tầm soát lao chủ động và định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ sàng lọc lao chỉ đạt 49% năm 2018, cho thấy vẫn cần cải thiện hơn nữa công tác này.

Thứ tư, cung cấp liệu pháp dự phòng lao bằng isoniazid (IPT) cho người nhiễm HIV sau khi loại trừ lao hoạt động. IPT có hiệu quả giảm 60% nguy cơ mắc lao ở người nhiễm HIV. Theo khuyến cáo mới nhất của WHO năm 2020, người nhiễm HIV nên được điều trị dự phòng lao bằng isoniazid liều 300mg kết hợp với vitamin B6 trong thời gian ít nhất 6 tháng hoặc theo kiến nghị của các bác sĩ ở các khu vực có gánh nặng lao cao.

Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ sở y tế như thông khí, sàng lọc triệu chứng, phân luồng bệnh nhân, sử dụng khẩu trang cũng rất quan trọng để bảo vệ người nhiễm HIV. Tăng cường truyền thông, tư vấn và hỗ trợ tuân thủ điều trị cũng góp phần cải thiện hiệu quả các can thiệp.